Bảo tàng Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ trưng bày

Văn hóa - Ngày đăng : 07:49, 07/04/2019

(HNM) - Bảo tàng Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện thiết kế chi tiết để nhanh chóng chuyển đến giai đoạn thi công trưng bày với kỳ vọng câu chuyện về lịch sử, văn hóa, mảnh đất, con người Hà Nội sẽ kịp thời đến với công chúng vào quý IV năm 2020.

Không gian trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.


Câu chuyện văn hóa, lịch sử Hà Nội

Bảo tàng Hà Nội vừa giới thiệu thiết kế chi tiết trưng bày tầng 2 với 3 chủ đề chính: Thiên nhiên Hà Nội xưa và nay, hành trình đến Thăng Long và Kinh đô Thăng Long trong thời Đại Việt. Đây là trưng bày nằm trong tổ hợp thiết kế trưng bày 3 tầng nhà (tầng 2, tầng 3 và tầng 4) với rất nhiều chủ đề ấn tượng, xuyên suốt nghìn năm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Riêng khu vực đại sảnh tầng 1 sẽ dành cho không gian phục vụ, gồm: Quầy vé, khu lễ tân, khu gửi đồ, khu hàng lưu niệm… Tất cả nhằm đáp ứng những mong mỏi chính đáng nhất của công chúng khi tham quan, trải nghiệm không gian trưng bày đậm sắc màu văn hóa, lịch sử Hà Nội.

Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền, Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ cho biết: Chủ đề thiên nhiên Hà Nội xưa và nay bao quát các đề tài về cảnh quan thiên nhiên, khoáng sản, hệ động, thực vật… trong khi đó, 2 chủ đề: Hành trình đến Thăng Long và Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt lại trải dài theo mạch nguồn lịch sử với các tiểu chủ đề: Những cư dân đầu tiên, nhà nước sơ khai, diện mạo kiến trúc, trung tâm quyền lực và tri thức, đời sống tâm linh, tinh thần chống giặc ngoại xâm... Cách sắp đặt này hứa hẹn mang đến cho công chúng hình dung rõ nét, đa chiều về những chuyển động trong tiến trình lịch sử từ Kinh đô Thăng Long tới Thủ đô Hà Nội, qua đó cảm nhận sâu sắc hơn về mảnh đất, con người nơi đây.

Đề cương và ý tưởng kịch bản trưng bày của Bảo tàng Hà Nội được các chuyên gia tư vấn tại Pháp xây dựng, sau đó tiếp tục được Hội đồng Tư vấn trưng bày Bảo tàng Hà Nội điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, gần gũi hơn với lịch sử, văn hóa Hà Nội cũng như khả năng trưng bày thực tế của bảo tàng. Sau thiết kế chi tiết trưng bày tầng 2, từ nay đến cuối năm 2019, Bảo tàng Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện nội dung thiết kế chi tiết của các tầng còn lại để đến quý I năm 2020 công việc thi công trưng bày sẽ bắt đầu được triển khai.

Rất nhiều đề tài đang được ấp ủ dành cho các không gian trưng bày của Bảo tàng Hà Nội trong tương lai, như: Làng nghề - phố nghề, kinh kỳ - kẻ chợ, thành phố thuộc địa, tín ngưỡng tôn giáo, đời sống văn hóa - nghệ thuật, cuộc sống thời chiến, 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, khu tập thể thời bao cấp… Dự kiến, công việc trưng bày sẽ được hoàn thành cơ bản, kịp thời ra mắt công chúng vào quý IV năm 2020. Bà Lê Thanh Hà, Trường Tiểu học Bình Minh, quận Hoàn Kiếm bày tỏ: Tôi rất háo hức với các ý tưởng trưng bày của Bảo tàng Hà Nội, nó cho thấy sự cẩn trọng, tâm huyết, sức sáng tạo của những người làm công tác bảo tàng đối với một nhiệm vụ không dễ thực hiện. Những nội dung này chắc chắn sẽ hấp dẫn, cuốn hút ngay cả với những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội chứ không chỉ riêng với khách tham quan, du lịch.

Để không lỗi hẹn

Với gần 9 nghìn mét vuông tổng diện tích trưng bày cùng khối lượng công việc đồ sộ, để bảo đảm tiến độ đã đề ra, Bảo tàng Hà Nội sẽ triển khai theo hình thức vừa thiết kế, vừa thi công trưng bày. Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết: So với các bảo tàng trên địa bàn, Bảo tàng Hà Nội ra đời muộn hơn vì vậy cần có những đổi mới và đặc thù riêng để thu hút công chúng. Bảo tàng Hà Nội xác định ứng dụng đa dạng loại hình tiếp cận, như: Hiện vật, tư liệu, bản đồ, phim, mô hình, các khu trải nghiệm văn hóa, lịch sử kết hợp ứng dụng công nghệ hiện đại, hấp dẫn... đồng thời nói không với hiện vật tái tạo, hiện vật phục chế, bảo đảm cảm xúc chân thực nhất cho người xem.

Theo thiết kế tổng thể, Bảo tàng Hà Nội cần có hơn 3,3 nghìn hiện vật. Trong thời gian qua, Bảo tàng đã đẩy mạnh công tác sưu tầm, bổ sung cũng như phát động nhiều đợt hiến tặng, kịp thời phục vụ công tác trưng bày. Đợt hiến tặng hiện vật mới đây nhất (cuối năm 2018), đã bổ sung cho kho lưu trữ Bảo tàng Hà Nội hơn 1,1 nghìn hiện vật, cơ bản đáp ứng yêu cầu trưng bày trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng đã tập trung sưu tầm, khai thác bản quyền tư liệu từ các cơ quan lưu trữ, tập hợp được hơn 3,7 nghìn tư liệu quý liên quan đến lịch sử, văn hóa Hà Nội. Hiện, Bảo tàng Hà Nội đã xây dựng được 307 bài giới thiệu, 94 phim tư liệu, 14 màn hình tương tác… bổ trợ thông tin cho các trưng bày trong tương lai.

PGS.TS Nguyễn Trung Minh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, chia sẻ: “Bảo tàng Hà Nội đang có hơn 3 nghìn hiện vật. Xét về số lượng thì đủ nhưng về chất lượng phải tính lại vì nhiều mẫu vật lưu kho hơn chục năm, không còn bảo đảm chất lượng. Cần lựa ra mẫu nào hiếm quá có thể chấp nhận, còn mẫu nào có thể thay thế thì cần thay thế, bổ sung gấp. Ngoài ra, đối với khu vực trưng bày khai quật khảo cổ học, nên thay thế các bức ảnh bằng các mô hình, mẫu vật tượng trưng". Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam cho rằng: Để tăng hiệu quả trưng bày, các chủ đề cần có điểm nhấn, tạo cao trào hấp dẫn, chứ không tổ chức triển khai đều đều. Các chủ đề gắn với đặc trưng của một giai đoạn lịch sử cần có những hiện vật tiêu biểu cho giai đoạn đó để trưng bày thực tế, sinh động hơn.

Nguyễn Thanh