Kiến nghị xem xét trách nhiệm của đơn vị quản lý chung cư Carina
Pháp luật - Ngày đăng : 13:21, 08/04/2019
Chủ đầu tư yêu cầu xem xét trách nhiệm hình sự đối với các thành viên Ban Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ địa ốc Sài Gòn (SEJCO) - đơn vị quản lý vận hành chung cư Carina.
Theo đơn khiếu nại, chủ đầu tư cho biết trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy đã được quy định cụ thể trong Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư số 38/HĐQLVH-DVĐO giữa Công ty Hùng Thanh và SEJCO.
Lực lượng chức năng tiến hành điều tra nguyên nhân vụ cháy tại chung cư Carina Plaza, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN) |
Tuy nhiên thực tế, SEJCO đã không bảo đảm an toàn, không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra (vụ cháy làm chết 13 người ở chung cư Carina vào ngày 23-3-2018).
Chủ đầu tư cho rằng Ban Giám đốc SEJCO phải chịu trách nhiệm về hậu quả, đặc biệt là ông Trần Kim Lương (Phó Giám đốc Công ty SEJCO - người ký hợp đồng quản lý vận hành số 38).
Trong vụ cháy ngày 23-3-2018, các nhân viên Ban quản lý chung cư Carina thuộc SEJCO không có người trực camera an ninh và nhân viên bảo vệ tuần tra tổng thể trong ca trực đêm.
Các nhân viên đã không hoàn thành nhiệm vụ, không theo dõi và phát hiện kịp thời đám cháy từ đó dẫn đến hậu quả nặng nề.
Lực lượng bảo vệ tầng hầm đã phản ứng không đúng và kịp thời theo quy trình, vì thời điểm phát cháy lúc 1 giờ 15 ngày 23-3-2018 nhưng đến 1 giờ 23 bảo vệ mới phát hiện (chậm 8 phút), sau đó dùng bình chữa cháy xách tay cứu chữa tuy nhiên không tiếp cận được đám cháy.
Đến 1 giờ 27 cùng ngày, các bảo vệ mới gọi điện báo 114, đồng thời chạy bộ lên các tầng trên thông báo cháy cho người dân. Tại thời điểm đó, khu vực hầm xe và trực camera không có nhân viên.
Kết quả xác minh nhận thấy SEJCO không bố trí trực camera an ninh từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau.
"Theo biên bản khám nghiệm hiện trường, cửa thoát hiểm bị mở hoàn toàn và có đá chèn, cửa ngăn cháy ở lối thoát hiểm không chỉ bị chặn lại ở tầng hầm mà còn chặn tất cả các tầng bởi con người. Việc kiểm tra, khắc phục đóng cửa thoát hiểm là trách nhiệm nằm trong trách nhiệm bảo đảm phòng chống cháy, nổ phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành của SEJCO theo hợp đồng SEJCO đã ký với Công ty Hùng Thanh. Do đó, việc cửa thoát hiểm bị mở dẫn đến khói xông lên gây thiệt hại thuộc về trách nhiệm của Ban Quản lý Chung cư Carina thuộc SEJCO. Ngoài ra, khi vụ cháy xảy ra, hệ thống chữa cháy vách tường có họng nhưng không có vòi vì nhân viên kỹ thuật của SEJCO đã tháo toàn bộ đường ống nước và vòi tập trung tại khu vực kho" - chủ đầu tư khẳng định trong đơn khiếu nại.
Đại diện pháp lý của Công ty Hùng Thanh cho rằng những lỗi nêu trên là sai phạm nghiêm trọng của bộ phận kỹ thuật Ban Quản lý chung cư Carina thuộc SEJCO, đặc biệt là trách nhiệm của ông Trần Kim Lương - Phó Giám đốc Công ty SEJCO dẫn đến tại thời điểm cháy không có vòi phun để sử dụng.
Bên cạnh đó, hệ thống báo cháy tự động có trung tâm điều khiển đặt ở tầng hầm đã bị tắt và chuyển sang điều khiển bằng tay (tức khi có sự cố, phải có người bật lại hệ thống mới hoạt động được).
Nghiêm trọng hơn, cả hai máy bơm điện và bơm dầu để bơm nước vào hệ thống chữa cháy đã tê liệt từ lâu mà không sửa chữa vì vậy không có nước trong hệ thống chữa cháy tự động. Vì vậy khi cháy, một số đầu phun nước (sprinkler) đã bung nhưng không có nước phun ra chữa cháy tự động như quy trình.
Chủ đầu tư kiến nghị Viện Kiểm sát xem xét, chỉ đạo kiểm tra việc điều tra để khách quan, toàn diện, tránh việc bỏ lọt tội phạm là những người có trách nhiệm trong Ban Giám đốc Công ty SEJCO, Ban Giám đốc Công ty Bảo vệ Gia Khang và các cán bộ công an kiểm tra phòng cháy, chữa cháy, dẫn hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trước đó, Cơ quan điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã có kết luận điều tra vụ cháy chung cư Carina, đề nghị truy tố Nguyễn Văn Tùng (sinh năm 1977, Giám đốc Công ty Hùng Thanh) và Nguyễn Quốc Tuấn (sinh năm 1985, nguyên Trưởng Ban quản lý chung cư Carina) về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy".
Kết luận điều tra chỉ rõ ông Tùng đã được Ban Quản lý chung cư báo về tình trạng hệ thống báo cháy không hoạt động, hệ thống chữa cháy tự động không kiểm tra, vận hành được.
Ông Tùng đã không thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình để duy trì theo các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy dẫn đến khi xảy ra cháy đã không kịp thời báo cháy, chữa cháy tự động, là nguyên nhân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Tuấn biết rõ tình trạng hệ thống phòng cháy chữa cháy đã hư hỏng, không thể hoạt động khi có cháy xảy ra. Dù bị can đã có những biện pháp thông báo cho Công ty Hùng Thanh để bảo trì, sửa chữa nhưng với tư cách là trưởng ban quản lý, Tuấn đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc tiếp nhận bàn giao từ Trưởng ban Quản lý cũ; không kiên quyết yêu cầu Công ty Hùng Thanh phải thay thế, sửa chữa.
Hành vi của hai bị can là nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến an toàn công cộng được pháp luật bảo vệ và gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, cần phải được xử lý nghiêm khắc trước pháp luật nhằm phòng ngừa, giáo dục chung.