Để trẻ em không đơn độc trong phòng, chống bạo lực học đường

Giáo dục - Ngày đăng : 21:03, 08/04/2019

(HNMO) - Chiều 8-4, sau những vụ bạo lực học đường xảy ra liên tiếp ở nhiều trường học trên cả nước, gây nhức nhối và lo ngại trong cộng đồng, Báo Tiền Phong đã tổ chức tọa đàm trực tuyến

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong phát biểu tại tọa đàm.


Những vụ việc nhức nhối

Thời gian gần đây, bạo lực học đường thường xuyên xảy ra, với tính chất và hậu quả ngày càng nghiêm trọng, khiến nhiều phụ huynh học sinh hoang mang, đau xót và dư luận bức xúc. Đỉnh điểm là vụ việc một nữ sinh lớp 9 ở tỉnh Hưng Yên bị 5 bạn đánh hội đồng phải nhập viện. Ngay sau đó, những vụ việc đánh bạn hội đồng ở Nghệ An, Quảng Ninh cũng bị phát giác. Điều này đã không chỉ còn là chuyện bắt nạt mà trở thành vấn nạn bạo lực học đường, thuộc phạm trù đạo đức.

Chia sẻ tại tọa đàm, Đại tá Phạm Mạnh Thường, Phó Cục trưởng Cục Hình sự, Bộ Công an cho biết, theo thống kê của ngành Công an, trong quý I-2019 đã có 310 vụ bạo lực học đường và chủ yếu học sinh ở lứa tuổi THCS và THPT. Để xử lý vấn đề về bạo lực học đường không khó, vì hiện đã có bộ luật hoàn chỉnh. Tuy nhiên, cần phải mổ xẻ nguyên nhân do đâu, lỗi từ các em học sinh hay lỗi của người giám sát (bố mẹ, thầy cô giáo).

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT).


Theo ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT), nguyên nhân chủ yếu do đây là lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất, tâm sinh lý, hiếu động và muốn tự khẳng định mình. Một số học sinh chưa được trang bị các kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với sự biến đổi của đời sống xã hội. Những hành vi xấu xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống đã có tác động tiêu cực đến học sinh. Ngoài ra, sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội chưa chặt chẽ và hiệu quả.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) nêu vấn đề, hiện nay, Việt Nam có tới 17 cơ quan phụ trách xử lý vấn đề về xâm hại trẻ em và bạo lực học đường, đặc biệt có Tổng đài 111 chuyên xử lý các vấn đề về bạo lực trẻ em. Vậy, vì sao các em vẫn đơn độc trong việc chống lại bạo lực học đường? Có lẽ là do công tác tuyên truyền còn yếu kém, Luật Trẻ em 2016 đi vào cuộc sống vẫn còn chậm?.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT Trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định, hành động nữ sinh lột quần áo bạn là hành động cố tình xúc phạm thân thể, danh dự của người khác. Các em coi việc lột đồ, làm nhục người khác làm hả hê, do đó xã hội cần lên án mạnh mẽ những hành vi này. Điều này cho thấy, những học sinh tham gia đánh bạn chưa hiểu hết giá trị yêu thương, tôn trọng con người, thậm chí bị lệch lạc về tư tưởng, nhận thức. “Con người khi sống không có giá trị yêu thương và tôn trọng người khác là điều tối kỵ nhất”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nói.

Làm gì để trẻ em không đơn độc

Tại tọa đàm, các khách mời đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường. Đa số các ý kiến đều đồng tình về phương án nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và giáo dục nhận thức, kỹ năng sống cho trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) phát biểu tại tọa đàm.


Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đưa ra giải pháp, cần tập trung và làm đồng bộ để nâng cao nhận thức về pháp luật, về trách nhiệm của tất cả các tổ chức bảo vệ trẻ em, từ trách nhiệm của nhà trường đến gia đình và địa phương. Khẩu hiệu trong nhà trường, ngoài “môi trường xanh sạch đẹp” thì còn phải có “xã hội an toàn, không có bạo lực”. Bên cạnh đó, gia đình cũng phải có cam kết, nhận thức đúng về giáo dục con cái. Cần giúp phụ huynh thấy được vai trò quan trọng của họ trong việc giáo dục con mình.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, phải đề cao phương pháp giáo dục sao cho hiệu quả hơn. Hiện nay, Việt Nam đã đưa vào nhiều chương trình giáo dục của các nước, hy vọng các chương trình đó sớm được triển khai, tiếp cận để thay đổi nhận thức, tình cảm của học sinh, giúp các em được tự chủ, tự quản, làm chủ được cuộc sống của chính mình.

"Tôi đề xuất hình thức phạt lao động đối với học sinh vi phạm, qua thời gian thử thách để thấy rằng trách nhiệm của mình với hành động đó như thế nào và cần thay đổi những gì. Tuy nhiên, không nên để các em đơn độc trong quá trình này, vì sẽ lại nảy sinh tâm lý tiêu cực, mà cần có sự đồng hành của bố mẹ và các thầy cô giáo", Tiến sĩ Lâm nói.

Bà Hoàng Tú Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng trung ương, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển thiếu nhi Việt Nam cho biết, thời gian qua, trung tâm đã tổ chức nhiều diễn đàn cho thiếu nhi, triển khai rộng khắp cả nước, như diễn đàn "Xây dựng tình bạn bè, nói không với bạo lực học đường”. Tới đây, trung tâm sẽ tăng cường nhiều hơn nữa về tuyên truyền pháp luật cho các em, đặc biệt là các em cấp THCS (các em cuối cấp).

Ông Travis Stewart, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Anh ngữ Apax English.


Chia sẻ về kinh nghiệm phòng, chống bạo lực học đường ở nước ngoài, ông Travis Stewart, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Anh ngữ Apax English cho biết, ở trung tâm Apax English có chương trình dạy trẻ “7 tính cách giúp trẻ thành công”. Một trong những tính cách trung tâm nhấn mạnh là lòng biết ơn và sự tự chủ. Ngoài chương trình này, trung tâm còn cung cấp các công cụ để học sinh tự chủ bản thân, thấu hiểu về các vấn đề xã hội. “Chúng tôi không chỉ hướng dẫn cho trẻ em mà còn tổ chức các buổi thảo luận hướng dẫn phụ huynh giao tiếp với trẻ”, ông Travis Stewart nói.


Với vai trò của cơ quan bảo vệ trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, có hai chìa khoá để giúp các em tránh được nạn bạo lực học đường, đó là: Cần trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho các em (điều này không chỉ phụ thuộc vào nhà trường mà còn cả yếu tố gia đình). Ngoài ra, Tổng đài 111 bảo vệ quyền cho các em cần phải được công bố, tuyên truyền rộng rãi hơn. Khi các em biết tới tổng đài này thì sự vào cuộc của Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Công an... sẽ bảo vệ quyền cho các em tốt hơn. Chính điều này sẽ giúp các em cảm thấy không đơn độc trong cuộc chiến chống lại nạn bạo lực học đường.

Tuyết Minh