Thành phố Hồ Chí Minh: Gỡ khó cho thị trường bất động sản

Bất động sản - Ngày đăng : 08:00, 08/04/2019

(HNM) - Trong 3 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh gặp rất nhiều khó khăn, nguồn cung sụt giảm do nhiều dự án chậm triển khai.

Nguồn cung và lượng tiêu thụ nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh giảm mạnh do ách tắc trong khâu triển khai dự án.


Nguồn cung giảm, dự án chậm triển khai

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, chị Phạm Khánh Phương (ở số 27, đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Hưng, quận 7) cho hay: “Tôi có mua căn hộ của một dự án hình thành trong tương lai tại quận 6 nhưng đến thời hạn bàn giao nhà mà chủ đầu tư chỉ mới xây dựng xong phần móng. Hỏi ra mới biết do vướng thủ tục giao quyền sử dụng đất nên dự án bị đình trệ...”.

Báo cáo về thị trường nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh 3 tháng đầu năm 2019, Tập đoàn Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL Việt Nam) cho biết, toàn thị trường thành phố ghi nhận có khoảng 4.500 căn hộ được mở bán chính thức, từ 11 dự án, giảm khoảng 50% nguồn cung mới so với quý IV-2018. Theo JLL Việt Nam, nguồn cung thấp có nguyên nhân chủ yếu là do nhiều dự án phải hoàn chỉnh thủ tục pháp lý theo quy định.

Về phía chủ đầu tư, Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Việt Gia Phú cho biết, dự án khu nhà ở thương mại - dịch vụ - căn hộ tại số 1472 đường Võ Văn Kiệt và số 445-449 đường Gia Phú (phường 3, quận 6) do Công ty làm chủ đầu tư phải thẩm định lại giá đất và hoàn thiện hồ sơ pháp lý nên tiến độ bị chậm.

Còn theo Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, dự án khu liên hợp nhà ở - văn phòng - thương mại Tản Đà - Hàm Tử (phường 10, quận 5) do Công ty làm chủ đầu tư bị chậm vì vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), những vướng mắc kể trên khá phổ biến tại các dự án chưa được tính tiền sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, qua 3 tháng đầu năm 2019, HoREA và các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thành phố rất lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc. Việc nhiều dự án bất động sản phải tạm dừng để rà soát, bổ sung hồ sơ pháp lý theo đúng quy định là cần thiết để bảo đảm quyền lợi người mua. Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu mong muốn các thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh bởi chậm trễ sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành

Nói về khó khăn của thị trường bất động sản, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận, thị trường đang có sự sụt giảm nguồn cung. Từ đầu năm đến nay, số lượng dự án nhà ở được cấp phép thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng giảm 63%.

Đặc biệt, số dự án đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai giảm rất sâu (chỉ có 10 dự án đủ điều kiện). Các dự án nhà ở thương mại hiện tồn tại 3 vướng mắc cơ bản là: Lựa chọn chủ đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp phép xây dựng...

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, HoREA đề xuất thành phố xây dựng “khung cơ chế” về công thức tính giá đất cụ thể theo quy định của Luật Đất đai, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố. Bên cạnh đó, HoREA kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương xem xét, giải quyết đối với các dự án đang bị “đóng băng” do chờ rà soát. Riêng đối với những dự án vướng đất công (thường chiếm tỷ lệ trên dưới 10% diện tích dự án), cần có chính sách đặc thù nhằm giúp nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước để triển khai.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đối với các kiến nghị cụ thể, dự án cụ thể, liên quan đến sở, ngành nào thì đơn vị đó phải có văn bản trả lời cho doanh nghiệp. Đối với trách nhiệm của từng cơ quan, khi tiếp nhận hồ sơ, nếu thuộc thẩm quyền của đơn vị mình thì phải giải quyết nhanh chóng cho doanh nghiệp. Nếu vượt thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố, thành phố sẽ kiến nghị lên các bộ, ngành trung ương.

Riêng đối với Sở Xây dựng, ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu cơ quan này phải công khai pháp lý các dự án theo thẩm quyền quản lý để minh bạch thông tin thị trường bất động sản.

“Sắp tới, UBND thành phố sẽ phê duyệt quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành; sau đó là giữa sở, ban, ngành với doanh nghiệp. Khi sở này cần tham vấn sở kia về một nội dung nào đó, nếu vượt thời gian quy định mà sở được tham vấn không trả lời thì xem như đồng ý. Điều này sẽ giảm bớt thời gian “ngâm” hồ sơ”, ông Trần Vĩnh Tuyến cho hay.

UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan thông báo đến chủ đầu tư của 124 dự án bất động sản để tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư, sớm hoàn thiện dự án.

124 dự án trên thuộc hơn 150 dự án phải tạm ngưng để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng trong năm 2018. Các dự án còn lại phải chờ khi có kết luận của cơ quan chức năng sau khi thanh tra, thành phố sẽ đề xuất hướng xử lý. Nguyên nhân của việc chậm trễ là do thủ tục pháp lý của các dự án này thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều sở, ngành khác nhau.

Bài, ảnh: NGUYỄN LÊ