Tăng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng góp phần đẩy lùi "tín dụng đen"

Tài chính - Ngày đăng : 16:05, 09/04/2019

(HNMO) -  Ngày 9-4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước cùng với các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức cuộc họp tăng cường phối hợp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng góp phần hạn chế


Theo Ngân hàng Nhà nước, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, đơn vị đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp tích cực; triển khai nhiều chương trình tín dụng như cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp. Bên cạnh đó là cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội...

Với các giải pháp trên, ngành Ngân hàng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, các nhu cầu chính đáng khác của người dân. Tính đến ngày 27-3-2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7,39 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2018, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn khoảng 1,82 triệu tỷ đồng.

Cụ thể, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã cho vay qua 68.871 tổ vay vốn, với tổng dư nợ đạt 122.203 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay thông qua 180.967 tổ tiết kiệm và vay vốn, với tổng dư nợ 193.314 tỷ đồng, trong đó qua Hội Nông dân là 56.958 tổ, dư nợ 60.362 tỷ đồng; Hội Phụ nữ là 67.944 tổ, dư nợ 75.675 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh là 31.292 tổ, dư nợ 31.466 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên là 24.773 tổ, dư nợ 25.811 tỷ đồng...

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, việc tổ chức tín dụng thực hiện cho vay thông qua các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội quản lý đã giúp tiết kiệm chi phí của tổ chức tín dụng trong quản lý vốn vay, tạo điều kiện để khách hàng được giảm lãi vay...

Ngoài ra, việc thông qua các tổ vay vốn đã tạo điều kiện cho người dân được vay không có tài sản bảo đảm để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân.

Đặc biệt là tuyên truyền để người dân hiểu rõ về tác hại của "tín dụng đen"; giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, góp phần đẩy lùi "tín dụng đen".

Hà Linh