Bài 2: Điểm sáng Hà Nội

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:57, 10/04/2019

(HNM) - Trong khi không ít địa phương gặp khó khăn, vướng mắc về cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, thì Hà Nội trở thành điểm sáng của cả nước với tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đạt 99,14%.

Sau khi hoàn thành công tác cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, nông dân huyện Quốc Oai có điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển trang trại. Ảnh: Bá Hoạt


Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đạt 99,14%

Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, từ những năm 2004-2005, Hà Nội bắt đầu thực hiện dồn điền đổi thửa và từ năm 2012, chủ trương này được triển khai quyết liệt, đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Nhờ vậy, đến cuối năm 2018, Hà Nội đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 79.218,6ha/75.980,1ha, đạt 104,2% kế hoạch thành phố đề ra. Từ chỗ manh mún 8 đến 10 thửa ruộng/hộ, đến nay mỗi hộ nông dân Hà Nội có 1 đến 2 thửa, với diện tích hợp thửa lớn hơn, đủ điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Sau dồn điền đổi thửa, Hà Nội có hơn 1.836,9ha đất dôi dư, tạo điều kiện cho các địa phương triển khai quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, giao thông, thủy lợi nội đồng, đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Điểm đáng chú ý là ngay sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, các địa phương ở Hà Nội đã bắt tay ngay vào công tác cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Điển hình như ở huyện Thường Tín, Chủ tịch UBND huyện Kiều Xuân Huy cho hay, ngay từ những năm đầu triển khai (từ năm 2016 khi hoàn thành dồn điền đổi thửa), huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ tư vấn giúp việc về công tác chỉnh lý bản đồ, hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, lập hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận. Theo đó, Ban Chỉ đạo giao chỉ tiêu, kế hoạch cho từng xã, thị trấn, phân công cụ thể cho từng thành viên. Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, đến nay huyện Thường Tín đã hoàn thành cấp 24.288/24.288 giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa.

Tương tự, tại huyện Quốc Oai, Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Quang Tuấn cho biết, đến tháng 3-2019, huyện hoàn thành công tác cấp đổi giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho nông dân mở rộng sản xuất, vay vốn đầu tư các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong khi đó, tại huyện Hoài Đức, năm 2017, tỷ lệ cấp đổi giấy chứng nhận mới đạt khoảng 80% thì đến nay đã đạt 100%. Còn tại huyện Chương Mỹ, đến nay tỷ lệ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa đạt 96%. Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng khẳng định, huyện đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tháo gỡ vướng mắc từng trường hợp cụ thể để sớm đưa tỷ lệ này lên 100% trong năm nay.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, tính đến tháng 3-2019, tỷ lệ cấp đổi giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa của thành phố đạt 99,14%. Đáng ghi nhận là đã có 9 huyện hoàn thành 100%, các huyện còn lại tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đạt 96-99%. Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, toàn thành phố còn 0,86% số thửa sau dồn điền đổi thửa chưa được cấp giấy chứng nhận do các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp, nhưng không sinh sống tại địa phương, cho mượn ruộng và đi làm ăn ở nơi khác, nên chưa thực hiện kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận; một số trường hợp do chưa thống nhất được đại diện đứng tên kê khai đăng ký; hoặc còn tranh chấp, khiếu kiện, chuyển nhượng không có giấy tờ. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương còn vướng mắc để cùng tháo gỡ và hoàn thành 100% kế hoạch trong năm 2019.

Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhận xét: Với sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp chính quyền và bằng những kế hoạch, giải pháp cụ thể, đặc biệt là công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, Hà Nội đã nhận được sự đồng thuận lớn từ nhân dân và trở thành điểm sáng của cả nước về cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa.

Thành công từ sự đồng thuận

Thành công từ công tác cấp đổi giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa, trước hết phải khẳng định là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, cụ thể của chính quyền thành phố. Theo Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông, xác định công tác cấp đổi giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, ngày 1-9-2016, Thành ủy Hà Nội đã có Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015” đã thành lập Tổ công tác liên ngành về vấn đề này. Tổ công tác liên ngành thường xuyên, tích cực đi kiểm tra, hướng dẫn thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp… đặc biệt là tại các địa phương còn chậm. "Sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành, địa phương và sự đồng thuận từ nhân dân là chìa khóa để mang lại thành công cho Hà Nội khi cấp giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa", ông Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.

Chia sẻ về cách làm hiệu quả trong công tác cấp giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa, Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Thất Đào Xuân Ban cho biết: Huyện đã thành lập và chỉ đạo các tổ công tác trực tiếp đến từng xã, thị trấn, rà soát từng hồ sơ, thửa đất, qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở. Đồng thời phân công cán bộ chuyên môn đến từng xã, thị trấn tiếp nhận, kiểm tra từng hồ sơ, xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền và hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục... Đối với những trường hợp phức tạp, huyện phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thành phố để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Hay như huyện Thanh Oai, Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Oai Đoàn Viết Tuấn chia sẻ: "Sau khi thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa, các cấp chính quyền xã, huyện tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để được cấp đổi giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa. Mấu chốt để không phát sinh thắc mắc, khiếu kiện, làm chậm tiến độ cấp giấy chứng nhận là ngay từ khi thực hiện dồn điền đổi thửa, công tác giao ruộng tại thực địa của các xã, thị trấn phải đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân".

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận xét, cấp đổi giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa không phải là một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nhưng lại giúp hoàn thành rất nhiều tiêu chí trong chương trình này. Từ thành công của Hà Nội, có thể thấy, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh phối hợp với Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để tổ chức tập huấn, hướng dẫn các nội dung về chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp đổi giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Đồng thời, để đạt tiến độ đề ra, các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ quan tâm hỗ trợ, đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, từng bước hiện đại hóa ngành quản lý đất đai cho các địa phương cũng như thúc đẩy nguồn lực từ đất đai.

(Còn nữa)

Ánh Dương - Đỗ Minh