Tiếp tục giảm số ca mắc, tử vong của nhiều bệnh dịch nguy hiểm

Xã hội - Ngày đăng : 17:13, 11/04/2019

(HNMO) - Sáng 11-4, bác sĩ Nguyễn Công Sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế đã thông tin về kết quả sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020 khu vực phía Bắc.

áng 11-4, bác sĩ Nguyễn Công Sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (KHTC), Bộ Y tế đã thông tin về kết quả sau 3 năm thực hiện (2016-2018) Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020 khu vực phía Bắc.


Sau 3 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu y tế - dân số đạt được nhiều thành tựu trong chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân. Ảnh minh họa

Phó Vụ trưởng Vụ KHTC cho biết, sau 3 năm thực hiện và đang tiếp tục triển khai, Chương trình mục tiêu y tế - dân số đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. 

Cụ thể, mạng lưới y tế Việt Nam được phát triển rộng khắp, kiểm soát được các bệnh, dịch mới nổi, không có dịch lớn xảy ra; tiếp tục giảm số mắc, số tử vong của nhiều bệnh dịch nguy hiểm; bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trên 95% cho trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuổi thọ người dân được nâng cao. 

Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân đã giảm từ 17,5% năm 2010 xuống còn 15,3% năm 2013 và giảm xuống còn 13% năm 2018. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi đã giảm từ 29,3% năm 2010 xuống còn 25,9% năm 2013 và 23,3% năm 2018. 

Ngoài ra, Chương trình cũng chú trọng phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, y tế học đường; hoàn thiện hướng dẫn và triển khai thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. 

Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng được kiểm soát ở mức dưới 0,3% và giảm số người nhiễm mới; tiếp tục mở rộng các cơ sở cấp phát thuốc tại cộng đồng... 

Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin sởi, vắc xin phối hợp sởi - rubella đạt tiêu chuẩn GMP, là quốc gia thứ 11 loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết.

“Mặc dù đạt được nhiều kết quả như mong muốn, nhưng Chương trình mục tiêu y tế - dân số vẫn đang gặp một số khó khăn trong vấn đề tài chính. Các đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối quản lý nhà nước của các dự án chưa phát huy được hết vai trò trong việc chỉ đạo, điều hành” - ông Nguyễn Công Sinh cho biết.

Cụ thể, nhiều địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ chi ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; chưa bố trí kinh phí để triển khai Chương trình. Tổng kinh phí của Chương trình cho 5 năm triển khai trên địa bàn toàn quốc khi phân bổ cho từng hoạt động, dự án, các địa phương không đáp ứng đủ theo nhu cầu thực tế...

Trên cơ sở đánh giá thực tế khi triển khai Chương trình và nhằm hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn còn lại (2019-2020), lãnh đạo Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Quyết định số 1125/QĐ-TTg điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ Y tế kiến nghị, Quốc hội cho phép điều chỉnh Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, đẩy nhanh tiến độ ban hành Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, theo hướng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe nhân dân, tăng chi cho Chương trình mục tiêu y tế - dân số; Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 26/2018/TT-BTC theo hướng cho phép địa phương sử dụng kinh phí trung ương hỗ trợ để chi cho các hoạt động thuộc Chương trình (bao gồm các hoạt động hiện nay đang quy định do ngân sách địa phương đảm bảo).

Đối với dự toán kinh phí dự phòng tiết kiệm 10% của Chương trình (Bộ Tài chính chưa giao), Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính giao lại cho Bộ Y tế để triển khai Chương trình (giao cho dự án Tiêm chủng mở rộng do thiếu kinh phí mua vắc xin và giá vắc xin tăng, giao bổ sung kinh phí mua thuốc phòng chống lao năm 2019-2020).

UBND các tỉnh, thành phố bố trí cân đối đủ nguồn vốn từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình, phù hợp với chủ trương cơ cấu lại nguồn ngân sách nhà nước lĩnh vực y tế, bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc nhiệm vụ chi ngân sách địa phương quy định tại khoản 7 Điều 1 của Quyết định số 1125/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Dự kiến, trong kế hoạch tiếp tục thực hiện Chương trình vào các năm 2019-2020, sẽ tái cấu trúc phân bổ kinh phí trung ương theo hướng ưu tiên phòng, chống và tăng cường quản lý sức khỏe, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng dân cư. 

Ngân sách địa phương sẽ được tăng cường sử dụng cho các hoạt động của Chương trình và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu tại địa phương. Tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh lồng ghép, kết hợp Chương trình mục tiêu y tế - dân số với một số chương trình, đề án khác.

B.Hân