Một khía cạnh của danh dự và lòng tự trọng
Đời sống - Ngày đăng : 10:44, 11/04/2019
Văn hóa xếp hàng là biểu hiện rõ nhất của sự công bằng. |
Trong vụ động đất sóng thần xảy ra năm 2011, người dân Nhật Bản đã khiến cả thế giới nghiêng mình khâm phục vì tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Thảm họa kép đi qua, mất mát, tan hoang, song không bạo loạn, cướp bóc, người Nhật Bản vẫn tràn đầy tự tin. Trong đó, có một câu chuyện cảm động về một cậu bé 9 tuổi, là nạn nhân trong trận thiên tai được lan truyền ra khắp thế giới. Giống như những người khác, cậu bé cũng đứng xếp hàng chờ được phát thực phẩm. Trên người chỉ có một chiếc áo thun và quần cộc, trong khi trời rất lạnh, cậu bé được một thành viên trong đoàn cứu trợ cho phần lương khô và đề nghị ăn trước cho đỡ đói vì bé xếp cuối hàng. Thế nhưng, sau khi nhận được phần lương khô ấy, cậu bé đã mang lên đưa cho người đang phát thực phẩm và tiếp tục quay lại hàng để chờ. Khi được hỏi lý do, câu trả lời của cậu bé thực sự đã gây xúc động cho rất nhiều người: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Mang lên đó để các cô chú phát chung cho công bằng ạ!”.
Xếp hàng là nội dung quan trọng trong giáo dục ở Nhật Bản và là một quy định mà mỗi công dân cần tuân thủ. Ngay từ khi bắt đầu tiếp nhận giáo dục, trẻ em đã được dạy cách xếp hàng theo thứ tự và nghiêm túc để hình thành thói quen một cách tự nhiên. Vì thế, ý thức xếp hàng của người Nhật Bản đã trở thành văn hóa và được vận hành như là cỗ máy tự động điều khiển. Từ trẻ em đến người già đều vô cùng kỷ luật trong việc xếp hàng. Người Nhật quan niệm rằng, một sự kiện mà không phải xếp hàng để xem thì rất đáng ngờ. Không xếp hàng có nghĩa là có điều gì đó không tốt, không có đám đông có nghĩa là giá trị thấp. Bên cạnh đó, với đa số người Nhật Bản, xếp hàng là một cơ hội để họ gần gũi với mọi người và nói những câu chuyện không bao giờ dứt. Họ biến việc xếp hàng thành một kỷ niệm đáng nhớ.
Hình ảnh người dân Nhật Bản kiên nhẫn xếp hàng chờ nhận cứu trợ sau thảm họa thiên tai năm 2011 đã khiến cả thế giới khâm phục. |
Trong khi đó, nghiên cứu về văn hóa xếp hàng tại Anh, nhà báo Denise Winterman từng viết một bài nhận định: Dường như hàng lối quy củ là một hình thái xã hội ra đời vào đầu thế kỷ XIX, một sản phẩm của những đô thị công nghiệp thu hút đông đảo dân cư. Đây là một lượng lớn người dân thoát ly từ nông thôn lên thành phố. Dây chuyền sản xuất mở rộng, tuy nhiên không phải ai cũng có cuộc sống dư dả, nghèo đói vẫn tràn lan. Thời điểm đó, mọi chiến dịch tuyên truyền đều nhắc nhở người dân thực hiện nhiệm vụ của mình và chờ đến lượt. Xếp hàng dần dần trở thành hình ảnh gắn với người nghèo, bởi họ thường xuyên phải xếp hàng để nhận đồ cứu trợ hoặc từ thiện. Thói quen này qua thời gian được gắn vào những khái niệm khuôn phép lễ nghi, tinh thần ngay thẳng, dân chủ... Nhiều câu chuyện khó tin về những người xếp hàng kiên nhẫn cũng được xây dựng nhằm lan tỏa nét sống văn minh này. Sau đó, xếp hàng được áp vào rất nhiều hoạt động khác ở nơi công cộng bao gồm cả việc mua sắm, vui chơi.
Tương tự như vậy, ở nhiều nước châu Âu, sự thanh lịch trong ăn mặc, giao tiếp tôn trọng lẫn nhau luôn được đề cao. Dĩ nhiên văn hóa xếp hàng cũng đã ăn sâu vào tiềm thức của cư dân cựu lục địa. Và cách họ sử dụng thang máy là một minh chứng cho sự lịch thiệp của con người. Trước cửa thang, họ thường đứng thành hai hàng về hai bên để không choán lối ra. Trẻ em, người già, người khuyết tật và phụ nữ được ưu tiên đứng trước. Khi thang máy tới, những người đứng đợi giữ nguyên ở hàng cho tới khi người cuối cùng đi ra, sau đó mới bước vào theo đúng thứ tự. Người đứng gần cửa thang máy sẽ hỏi những người còn lại xem họ muốn đến tầng nào để bấm số giúp. Nguyên tắc này cũng được áp dụng khi chờ tàu điện ngầm. Còn tại các khu vực thang cuốn tự động, mọi người thường đứng dẹp về bên tay phải nhường phần bên trái cho những ai có việc gấp cần di chuyển nhanh.
Và câu chuyện về xếp hàng đã đi vào văn học. Đại thi hào Pháp Louis Aragon có câu thơ: “Tôi chỉ xuống tàu khi tới lượt tôi”. Dĩ nhiên câu thơ không nói về việc xếp hàng trong đời sống thường nhật, mà nói về danh dự, lòng tự trọng của một con người trong thời gian Phát xít Đức tấn công và chiếm đóng nước Pháp. Thời ấy, những người Pháp không muốn sống dưới ách Phát xít đều di tản, xuống tàu thủy tìm đường sang Anh hay đi Algeria gia nhập các tổ chức kháng chiến. Câu thơ Louis Aragon muốn khẳng định, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay cả khi phải lựa chọn giữa sự sống và cái chết, thì người Pháp vẫn tôn trọng việc xếp hàng.
Bất kỳ nếp sống văn minh nào cũng trải qua một quá trình hình thành và xây dựng, từ giáo dục dần tạo nên thói quen và tiến tới là quy chuẩn trong ứng xử văn hóa. Xếp hàng cũng vậy.