“Tôi xếp hàng” – Chúng ta xếp hàng

Đời sống - Ngày đăng : 10:55, 11/04/2019

(HNMCT) - 1. Cuối tháng 3-2019, một nhóm sinh viên Chương trình cử nhân quốc tế Quảng cáo, PR và Truyền thông thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức talk show “Xếp hàng qua góc nhìn văn hóa”, một hoạt động mang tính điểm nhấn trong khuôn khổ chuỗi hoạt động thuộc dự án “Tôi xếp hàng” mà nhóm khởi động từ cuối năm 2018.

Xếp hàng mua vé xem nhạc kịch tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace - 24 Tràng Tiền).


Đó là một dự án truyền thông của “những người trẻ với hoài bão thay đổi nhận thức và hành động của con người Việt Nam hiện đại nhưng lại có lối sống vội vàng”, như “tuyên ngôn” mà nhóm đã nêu trong “lời phi lộ” khi ra mắt trang facebook được mở nhằm quảng bá ý tưởng cổ động cho văn hóa xếp hàng tại Việt Nam.

Chúng ta không vội bàn về hiệu quả thực tế của dự án này, điều rất khó để đo đếm, nhất là khi dự án mới triển khai được khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, những người tham gia thực hiện dự án đã “thắng” ngay từ đầu, đơn giản bởi những người trẻ tuổi đã xới xáo một vấn đề đang được cả xã hội quan tâm và tìm cách hướng sự chú ý của cộng đồng vào đó. Ít nhất thì những người quan tâm đến dự án “Tôi xếp hàng” cũng nhìn thấy trong đó quyết tâm hành động của giới trẻ - rất khác với cách tiếp cận vấn đề trong yên lặng hoặc giới hạn hành động trong việc “múa phím” ca cẩm trên mạng xã hội trước những biểu hiện sai trái dễ thấy trong giai đoạn vừa qua. Hơn nữa, những người trẻ đã chọn cách tiếp cận vấn đề khiêm tốn nhưng hiệu quả. “Tôi xếp hàng” chứ chưa vội tuyên bố “chúng ta”, cách đặt vấn đề gợi ý nêu gương đó phần nào khiến đối tượng truyền thông không có cảm giác bị ép buộc hay bị dạy dỗ. Thông điệp được đưa ra, vì thế, dễ đến với số đông: Văn hóa xếp hàng là biểu tượng thể hiện rõ nhất của sự công bằng. Ai đến trước thì người đó được trước, đó là điều đương nhiên và được mọi người chấp nhận.

“Tôi xếp hàng” rõ ràng mang ý nghĩa đánh động sự quan tâm của cộng đồng đối với một vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà cách ứng xử lệch chuẩn đang len lỏi trong mọi ngõ ngách của đời sống, ngày càng rõ là văn hóa xếp hàng không phải là vấn đề nhỏ, cần được hiểu đúng và thực hành đúng, chuyên tâm.

Thực tế sinh động hơn những gì mà các diễn giả từng đề cập về văn hóa xếp hàng. Bằng cách nào đó, những câu chuyện về chủ đề này đã dẫn người quan tâm tới văn hóa xếp hàng đến ý nghĩ rằng, dường như đã có lúc mình hiểu khái niệm này theo nghĩa hẹp. Thói chen lấn xô đẩy và tâm lý vượt lên bằng mọi giá phải chăng chỉ gây phiền phức cho những người xung quanh, khiến hình ảnh cá nhân trở nên xấu xí hay còn gây hệ lụy lớn hơn như tàn phá lẽ công bằng, hủy hoại hình ảnh quốc gia, tạo tiền đề cho nạn “chạy” chức “chạy” quyền, tham nhũng, hối lộ... trong tương lai? Và bởi vậy, từ nay, khi nói văn hóa xếp hàng thì phải chăng câu chuyện không chỉ liên quan tới hành vi chờ đến lượt mình khi ta đi mua xăng, mua vé xem bóng đá, chờ thanh toán tiền hàng trong siêu thị hay chờ lên xe buýt...?

Dựa trên thang đánh giá hành vi lấy sự tuân thủ luật lệ, tính kỷ luật làm trung tâm, câu chuyện văn hóa xếp hàng liên quan tới việc duy trì trật tự, điều được nhiều người cho là thuộc tính của văn hóa. Những hiểu biết về nghĩa vụ tuân thủ trật tự, kỷ cương, luật pháp giúp con người cân nhắc hành vi khi tham gia giao thông, khi chờ được trao lộc thánh, và thậm chí cả khi xuống xuồng cứu hộ một khi phải đối diện với tai nạn khiến tàu chìm... Làm khác đi, rắp tâm vượt lên trước mà không tuân thủ trật tự thì hành động đó, trong mọi hoàn cảnh, đều là hành vi phản văn hóa, cần phải bị lên án, loại bỏ.

2. Tuyên truyền, giáo dục, cổ động cho văn hóa xếp hàng, qua đó giúp các cá nhân thay đổi hành vi, thói quen theo hướng tích cực là điều không đơn giản. Những cố gắng “nhỏ lẻ” kiểu như dự án “Tôi xếp hàng”, dù thiết thực và được thực hiện một cách sáng tạo, bài bản thì cũng không đủ sức gánh vác phần việc nặng nề vốn đòi hỏi hệ giải pháp có tính hệ thống. Thực tế tại Việt Nam và ở nước ngoài cho thấy điều này.

Xếp hàng là một trong những nội dung quan trọng và cần thiết trong việc dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non.


Cho đến bây giờ, đã 8 năm trôi qua kể từ ngày đất nước Nhật Bản hứng chịu thảm họa sóng thần được cho là tồi tệ nhất trong lịch sử. Bên nỗi đau, người dân Nhật Bản có quyền nhớ lại những khoảnh khắc mà họ đã khiến thế giới phải kinh ngạc về sự điềm tĩnh, khả năng duy trì trật tự ngay cả khi đối diện với cái chết. Hình ảnh hàng dài người Nhật kiên nhẫn xếp hàng chờ lấy nước sinh hoạt, nhận thực phẩm sau trận sóng thần khủng khiếp, cách mà họ tham gia tái thiết đất nước sau thảm họa đã trở thành biểu tượng văn hóa ứng xử mang tính toàn cầu. Sau này, khi nhìn lại quãng thời gian đó và những biểu hiện có sức lay động mạnh mẽ của người dân Nhật Bản, chỉ có một cách đánh giá duy nhất đúng, rằng bản lĩnh của người Nhật là sản phẩm của quá trình rèn luyện liên tục qua thời gian, học tập hằng ngày cho đến khi ứng xử văn hóa thành thói quen, trở thành phản xạ và là biểu hiện có tính dẫn dắt của đa số người dân.

Nếu coi văn hóa xếp hàng là sản phẩm của một quá trình giáo dục, rèn luyện dài lâu và trật tự là trụ cột thì có lẽ, với Việt Nam, chúng ta đã trải qua một quá trình không rõ tính liên tục, ít nhất là trong biểu hiện thực tế. Chiến tranh, đói nghèo, nỗi lo toan phát triển kinh tế đã làm ảnh hưởng tới nhiều điều, một trong số đó là văn hóa nói chung và văn hóa ứng xử nói riêng, cũng như mức độ quan tâm dành cho vấn đề này. Những phẩm chất ứng xử trọng tình, khoan hòa, nho nhã, “kính trên, nhường dưới”... từng đi vào thơ ca đã có lúc chìm khuất sau thói thường bon chen, cách hiểu lợi ích là trên hết cũng như thói quen vượt lên trước bằng mọi giá. Chuẩn mực, kỷ cương, giá trị văn hóa truyền thống bị sứt mẻ trong mắt người, mà biểu hiện rõ nhất gần đây là hiện tượng một số người tung hô Khá Bảnh và một số cá nhân “đồng dạng” - những người đã bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích cá nhân. Trong bối cảnh đó, rất tiếc là sức phản kháng chưa đủ lực để xoay chuyển tình thế ở mức cần; xu hướng tiến bộ, văn minh chưa thể hiện được khả năng dẫn dắt, chi phối hành vi của cộng đồng.

Tháng ba năm nay, khi bàn về talk show “Xếp hàng qua góc nhìn văn hóa” nói trên, một tác giả đã viết trên báo, đại ý văn hóa xếp hàng của người Việt đã có sự tiến bộ. Quan điểm được đưa ra kèm ví dụ về chuyện xếp hàng mua vàng trong “ngày thần tài”, người dân xếp hàng mua vé bóng đá hay xếp hàng chờ thanh toán tiền trong siêu thị... Dễ thấy nhận xét đó không có gì sai, nhưng cần “chú thích” thêm rằng điều đó chưa phản ánh được vấn đề tổng thể. Những vụ vi phạm luật về giao thông được báo chí đưa hằng ngày. Hành vi “cướp lộc”, “cướp hoa”, chen lấn xô đẩy là điều dễ thấy trong mỗi mùa lễ hội hay ở những sự kiện văn hóa lớn. Ở chung cư, không chỉ một lần diễn ra cảnh người đi xe máy tìm cách vượt ngay cả khi “đối thủ” đã đi vào đoạn đường dốc dẫn xuống hầm, nơi mà lối đi được giới hạn ở mức hẹp... Như người ta thường nói, đó là những “ca” ứng xử khiến người khác phải “bó tay”.

Thực tế và lý luận chỉ ra rằng, cần phải khôi phục lại nền nếp ứng xử theo chuẩn mực nói chung và văn hóa xếp hàng là một phần không thể thiếu. Đó chắc chắn là một hành trình dài, khó khăn mà mục tiêu dài hạn là tạo ra lớp người được trang bị kiến thức về luật pháp, kỹ năng ứng xử văn hóa ngay từ nhỏ, có nghĩa là xác định giáo dục là giải pháp hàng đầu. Những bài học cần được giải thoát khỏi sự khuôn mẫu thái quá, không xa rời hơi thở cuộc sống và có ý nghĩa lan tỏa tấm gương điển hình, góp phần cổ vũ cái đẹp, lên án cái xấu.

Thói xấu thường chỉ bị đẩy lùi hoặc “co mình lại” khi bị số đông ứng xử chuẩn mực lấn át. Bởi thế, công tác tuyên truyền giữ vai trò quan trọng. Cần khuyến khích những dự án như “Tôi xếp hàng”, phát động thi sáng tác nghệ thuật để cổ vũ nếp sống, lối sống, qua đó nêu gương ứng xử văn minh, phê phán thói hư, tật xấu. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng hệ thống chế tài phù hợp đối với các hành vi vi phạm quy tắc ứng xử mà nhiều địa phương đã xây dựng, ban hành...

Từ “Tôi xếp hàng” đến “Chúng ta xếp hàng” là mục tiêu mà chúng ta hướng đến. Việc phức tạp, không thể thực hiện thành công nếu mỗi cá nhân không nhận ra ở đó quyền lợi và nghĩa vụ tham gia của mình. Chỉ khi cả cộng đồng cùng vào cuộc, từng gia đình đồng tâm thay đổi hành vi theo hướng văn minh, trách nhiệm thì lúc đó những câu chuyện “kinh hoàng” về ứng xử mới có thể chấm.

Hoàng Ngân