Luật Lực lượng dự bị động viên cần bám sát tư duy mới về chiến tranh hiện đại

Chính trị - Ngày đăng : 17:33, 11/04/2019

(HNMO) - Chiều 11-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, việc ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên là cần thiết, bởi sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (từ năm 1996), Pháp lệnh này đã góp phần thiết thực vào việc xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị giải thích rõ vì sao lực lượng dự bị động viên phải được duy trì đủ quân số, có số lượng dự phòng 10% đến 15%; không nên quy định UBND cấp huyện cũng có thẩm quyền huy động lực lượng dự bị động viên. Ngoài ra, dự thảo luật mới đề cập lực lượng dự bị động viên trong thời bình, chưa nói đến trong thời chiến thì như thế nào...

Cho ý kiến vào dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành việc nâng Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên lên thành luật. Tờ trình dự thảo luật nên khái quát nâng tầm cơ sở pháp lý cao để xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có số lượng, chất lượng phù hợp với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao tờ trình đã nêu rất đúng, trúng về sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên, vì dự báo về chiến tranh trong tương lai, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi truyền thống (chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng và việc sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng...). Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo luật chưa bám sát tư duy mới về chiến tranh hiện đại: Xây dựng lực lượng dự bị động viên đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo có tới 13/47 điều giao cho Chính phủ, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành là quá nhiều và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định ngay trong luật, nhất là những điều liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân...

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc trình dự án Luật Lực lượng dự bị động viên tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc trong tháng 5-2019. Đồng chí đề nghị Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan sớm hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội theo đúng quy trình.

Phong Thu