Tăng cường giám sát, hậu kiểm về an toàn thực phẩm
Xã hội - Ngày đăng : 09:48, 12/04/2019
Ông Trần Văn Chung (ngoài cùng bên phải) phụ trách đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của Sở Y tế Hà Nội. |
- Xin ông cho biết lý do lựa chọn chủ đề: “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm nay?
- Tình hình công tác bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm không chỉ riêng Hà Nội mà trên địa bàn cả nước còn diễn biến phức tạp. Việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra. Thêm vào đó, một lượng không nhỏ thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ với công nghệ chế biến lạc hậu không kiểm soát được an toàn chiếm tỷ trọng lớn…
Để tồn tại những vấn đề nêu trên, một trong những nguyên nhân chính là do nhận thức yếu kém, chạy theo lợi nhuận và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Chính vì vậy, Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2019 được lựa chọn với chủ đề: “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
- Vậy, trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, ngành Y tế Thủ đô sẽ tập trung triển khai những hoạt động gì?
- Trên địa bàn Thủ đô hiện có hơn 66.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm nay, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố thành lập 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, gồm lãnh đạo các sở Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường Hà Nội làm trưởng mỗi đoàn, kiểm tra công tác triển khai của các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và sở, ban, ngành trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Mặt khác, các đoàn sẽ đẩy mạnh kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khu vực được phân công. Riêng Sở Y tế Hà Nội sẽ kiểm tra tại 8 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Long Biên, Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì. Thời gian thanh tra, kiểm tra sẽ diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra được triển khai trong thời gian này sẽ tập trung vào điều kiện vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân, nhất là kiểm soát chặt nguồn gốc nguyên liệu đưa vào sản xuất, chất lượng sản phẩm. Ưu tiên hàng đầu là tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất và tổ chức hậu kiểm các cơ sở kinh doanh thực phẩm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và chấn chỉnh cơ sở vi phạm.
- Việc kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố còn có những khó khăn gì, thưa ông?
- Trong khi lực lượng cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm còn mỏng, thì tại nhiều địa phương chưa coi trọng vấn đề quản lý an toàn thực phẩm; chính quyền sở tại chưa chủ động kiểm tra, giám sát, tạo áp lực lên đơn vị quản lý cấp trên. Chính vì vậy, Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2019 của UBND thành phố Hà Nội sẽ tạo nên đợt cao điểm về công tác thanh tra, kiểm tra cũng như gắn trách nhiệm của UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
- Ông có khuyến cáo gì với người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm?
- Nguyên tắc cơ bản là lựa chọn các thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc, ôi thiu và có mùi khó chịu. Riêng với thực phẩm tươi sống phải bảo đảm có màu sắc, mùi tự nhiên. Với các loại rau, củ, quả, trái cây cần cảnh giác với những sản phẩm có bề ngoài trơn láng, căng mọng, to đều, vỏ ngoài nhẵn nhụi, mỡ màng… vì có thể sử dụng hóa chất bảo quản không cho phép.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe... Điều quan trọng hơn là người tiêu dùng cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm để chúng tôi có biện pháp giám sát và kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm.
- Trân trọng cảm ơn ông!