Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cần chế tài mạnh để bảo đảm sức khỏe nhân dân

Chính trị - Ngày đăng : 11:46, 12/04/2019

(HNMO) - Sáng 12-4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

.

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương, 32 điều, quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia: Giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho việc phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.


Toàn cảnh phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải dẫn chứng số liệu công bố tại hội thảo do Bộ Y tế tổ chức cho biết, “chi phí tiền mua rượu 4 tỷ USD, trong khi xuất khẩu gạo 2,41 tỷ USD” và nếu con số này là đúng thì tình trạng tiêu thụ rượu, bia đã đến mức báo động.

Để hạn chế việc lạm dụng rượu, bia, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhất trí áp dụng đồng bộ cả 4 nhóm giải pháp (giảm cung, giảm cầu, giảm tiếp cận và giảm tác hại), đồng thời đề xuất dự án luật cần đưa ra những quy định, chế tài "mạnh tay" hơn nữa để giảm tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe nhân dân.


Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân ở các lứa tuổi về tác hại của rượu, bia.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm, mục tiêu cuối cùng của luật này là bảo đảm sức khỏe nhân dân. Do đó, luật cần điều chỉnh mọi loại đồ uống có cồn, độ cồn từ bao nhiêu trở lên, không chỉ căn cứ vào tên gọi “bia” hoặc “rượu”.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, trong luật cần có quy định khuyến khích cơ sở y tế công lập, tư nhân thực hiện cai nghiện rượu; quy định chính sách về nguồn lực để chăm sóc, phục hồi chức năng cho người nghiện rượu… Đặc biệt, luật cần có quy định rõ ràng về các hành vi cấm: Cấm ép buộc người khác sử dụng rượu, bia; cấm uống chất có cồn trước và trong khi điều khiển phương tiện giao thông; cấm uống rượu, bia khi tham gia giao thông; cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức… Tuy nhiên, về quy định “cấm bán rượu, bia trên internet”, một số đại biểu cho rằng không khả thi, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển của thương mại điện tử.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cân nhắc, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để bảo đảm tính khả thi. “Chúng ta không vội vã ban hành luật khi chưa xem xét kỹ, toàn diện vấn đề. Nếu chưa chín muồi, chưa đồng thuận thì chưa thông qua” - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định.

Phong Thu