Du lịch là "sức mạnh mềm", lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng
Chính trị - Ngày đăng : 15:14, 12/04/2019
Được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, diễn đàn đầu tiên năm 2019 có chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế trọng điểm”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại sự kiện này. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương trọng điểm về du lịch. Diễn đàn thu hút trên 300 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành liên quan; các sở du lịch trong cả nước; các đơn vị đào tạo ngành du lịch trong nước và quốc tế; các doanh nghiệp du lịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Các nội dung thảo luận tại diễn đàn xoay quanh 3 chủ đề chính: Đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân sự du lịch; ứng dụng hiệu quả công nghệ mới trong đào tạo nhân lực ngành du lịch và hoạch định chính sách trong phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Thời gian qua, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã dần được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn ngành. Hiện tại, cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch các cấp từ sơ cấp đến đại học, riêng TP Hồ Chí Minh có 63 cơ sở đào tạo du lịch (24 đại học, 20 cao đẳng và 19 trung cấp).
Tuy nhiên, ngành vẫn còn những bất cập trong tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, như quy mô đào tạo tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế. Hệ thống giáo trình chưa thực sự phù hợp, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa cao. Liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp, và giữa các chủ thể chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Các chính sách và hành lang pháp lý cho tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa thực sự phù hợp.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra 3 câu hỏi và một số gợi ý chiến lược đối với vấn đề nguồn nhân lực của ngành du lịch. Đánh giá cao các tham luận tại diễn đàn có tính ứng dụng thực tế cao, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh tinh thần “mỗi người dân là một đại sứ du lịch” và nêu vấn đề: "Chúng ta đã băn khoăn nhiều về việc liệu có đủ nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu ngành du lịch hay không. Tuy nhiên, câu hỏi sát sườn ngành du lịch, chúng ta liệu có đủ hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút nhân tài, lực lượng lao động có kỹ năng, không những trong nước mà cả quốc tế tham gia vào lĩnh vực này hay không?
Theo Thủ tướng, các chính sách đào tạo, đãi ngộ, phát triển nghề nghiệp và thu hút nhân tài, lao động có kỹ năng sẽ quyết định khả năng thu hút nguồn nhân lực. Những công ty, mô hình kinh doanh hoạt động tốt nhất trong ngành du lịch Việt Nam cũng chính là những đơn vị trả lời tốt nhất câu hỏi này. Bởi đây chính là những nhà tuyển dụng tốt nhất với môi trường làm việc, văn hóa công ty được đánh giá cao so với các công ty ở các ngành, lĩnh vực khác. Thủ tướng cho rằng, câu hỏi này không chỉ dành cho các doanh nghiệp du lịch mà còn đối với các cơ quan quản lý nhà nước, bởi đây là ngành có tính cạnh tranh toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
“Các chính sách nguồn nhân lực không thể được xây dựng một cách rời rạc, mà phải được đặt trong tổng thể các chính sách”, Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định, môi trường kinh doanh của ngành du lịch, môi trường ngành du lịch nói chung có tác động đến khả năng thu hút nguồn nhân lực tham gia vào lĩnh vực này.
Câu hỏi thứ hai của Thủ tướng tại diễn đàn liên quan đến mục tiêu xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được kỳ vọng chiếm trên 10% GDP, tạo sức lan tỏa sâu rộng cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của cả nước. “Chúng ta đã làm gì để tương xứng với hai chữ ‘mũi nhọn’, làm gì để thu hút được lao động có kỹ năng tham gia vào du lịch, làm gì để tối ưu hóa được nguồn lực sẵn có?", Thủ tướng đặt câu hỏi.
Mở rộng nội hàm của chủ đề “nguồn nhân lực du lịch”, Thủ tướng phân tích, vấn đề này không chỉ ở các công ty du lịch mà còn ở chính những người dân và các cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động du lịch. “Chính những cộng đồng, người dân này sẽ quyết định hệ trọng đến sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh tính hiệu quả của nguồn nhân lực gắn liền với giá trị mà con người mang lại qua chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp, Thủ tướng chỉ rõ, việc tiếp cận chủ đề nguồn nhân lực cho du lịch còn hướng đến các mục tiêu của phát triển bền vững, thông qua việc góp phần giải quyết ba mục tiêu mà Tổ chức Du Lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) đang nỗ lực giải quyết: Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm...
Đặt vấn đề, Đảng và Nhà nước ta những năm qua đã xác định thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng là 3 đột phá chiến lược hàng đầu, Thủ tướng đặt câu hỏi với các bộ, ngành, “đã làm gì, xây dựng chiến lược thế nào để nguồn nhân lực thật sự là một đột phá chiến lược đối với chính ngành du lịch Việt Nam?”.
Thủ tướng cũng thông tin đến diễn đàn về việc Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch năm 2017, Việt Nam đã tăng tám bậc so với năm 2015, đứng thứ 67 trên toàn cầu. Đặc biệt, trong lĩnh vực nguồn nhân lực và thị trường lao động, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể (đứng thứ 37), và đã tăng lên 18 bậc.
Khẳng định, du lịch không chỉ là một lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng mà còn là niềm tự hào, là sức mạnh mềm và ảnh hưởng văn hóa của Việt Nam trên toàn cầu, Thủ tướng chỉ rõ, phát triển du lịch không chỉ là một nhiệm vụ kinh tế đơn thuần. Trong mọi hoạch định chiến lược, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò then chốt, đặc biệt là trong ngành du lịch; bởi lẽ sự tương tác về phương diện văn hóa và con người sẽ đóng vai trò quyết định đối với sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa các trường đại học. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Trên cơ sở đó, Thủ tướng tin tưởng, với 100 triệu người Việt Nam trong và ngoài nước, nguồn nhân lực du lịch là hoàn toàn không thiếu cả về lượng lẫn về chất. “Điều cốt yếu là làm sao chúng ta phát huy được tốt nhất những tiềm năng và kỹ năng tiềm ẩn trong mỗi người Việt Nam”, Thủ tướng nói và đề cập yêu cầu xây dựng một môi trường chính sách tốt, mỗi doanh nghiệp cần có một cơ chế quản trị, chính sách đãi ngộ tương xứng với thành quả, năng lực đóng góp; đồng thời thu hút những lao động có kỹ năng từ các lĩnh vực khác tham gia vào ngành du lịch.
Thủ tướng cũng đề nghị các trường đại học, cơ sở đào tạo cần cập nhật trở lại giáo trình, phương pháp đào tạo liên quan đến các ngành nghề thuộc lĩnh vực này, đáp ứng tốt các chuẩn mực mang tầm quốc tế cũng như xu hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực du lịch.