Thị trường chứng khoán: Sôi động và hấp dẫn

Tài chính - Ngày đăng : 07:24, 13/04/2019

(HNM) - Tăng hơn 100 điểm kể từ phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018, thị trường chứng khoán đã có những tháng đầu năm 2019 khá sôi động và hấp dẫn.

Thị trường chứng khoán đã có những tháng đầu năm 2019 khá sôi động. Ảnh: Mạnh Hùng


Nhiều phiên tăng điểm liên tiếp

Cách đây hơn một năm, sau khi vượt ngưỡng 1.100 điểm, thậm chí là 1.200, thị trường chứng khoán đã chứng kiến những phiên "lao dốc". Có ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán năm 2018 có hai bức tranh trái chiều: Lạc quan, hứng khởi của những tháng đầu năm và “bi đát” những tháng cuối năm. Sự đi xuống của thị trường kéo chỉ số VN-Index không chỉ tuột khỏi mốc 1.000 điểm, mà còn sớm phải chia tay ngưỡng 900 điểm trong sự bất an của giới đầu tư. Diễn biến thực tế này của thị trường đã khiến nhiều chuyên gia thận trọng khi đưa ra dự báo không mấy khả quan về thị trường năm 2019. Nhưng, trái lại thị trường chứng khoán đã có hơn 3 tháng đầu năm đầy khởi sắc.

Ngay từ phiên giao dịch gần giữa tháng 3, chỉ số VN-Index của sàn thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua mốc 1.000 điểm kể từ tháng 10-2018. Những phiên giao dịch đầu tháng 4, chỉ số chứng khoán mặc dù tuột khỏi mốc 1.000 điểm, nhưng khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch ở mức cao cho thấy thị trường vẫn là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10-4, chỉ số VN-Index dừng lại ở 981,91 điểm, trong khi HNX-Index là 107,43 điểm. Thị trường có những thời điểm giao dịch khá thận trọng khi giới đầu tư vẫn còn hoài nghi về đà tăng ổn định của thị trường, song những lệnh mua mạnh dạn đã đưa thị trường tăng điểm trong nhiều phiên liên tiếp. Dòng tiền có sự phân hóa khi hướng vào một số mã chủ chốt như nhóm bluechip (cổ phiếu lớn như VHM của Vingroup, SAB của Sabeco, VNM của Vinamilk...) và nhóm cổ phiếu dầu khí. Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành tâm điểm khi bứt phá mạnh, như mã BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Theo ông Nguyễn Xuân Thanh (khu Việt kiều châu Âu, quận Hà Đông, Hà Nội), một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm, thực tế thị trường không phải chờ đến nay mới tăng trưởng. Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019, nhiều thông tin về chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tích cực đã mang lại niềm tin cho nhà đầu tư. Đây được coi như lực đẩy cho thị trường chứng khoán đầu năm. Chưa kể các chuyên gia, tổ chức kinh tế quốc tế và trong nước đều đưa ra những dự báo tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2019...

Những lực đẩy với thị trường


Đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán có sự đóng góp không nhỏ của khối ngoại. Trong những tháng đầu năm, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng liên tục trên toàn thị trường với tổng giá trị hơn 4.000 tỷ đồng. Riêng thị trường cổ phiếu, khối lượng mua ròng hơn 50%. Chẳng hạn như cổ phiếu HPG của Hòa Phát. Từng là cái tên bị "xa lánh" trong những tháng cuối năm 2018, nhưng đến đầu năm 2019 HPG đã trở lại trong danh mục các quỹ ngoại với khối lượng mua ròng hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên. Chỉ tính riêng trong khoảng 10 phiên giao dịch trong tháng 2, HPG được khối ngoại mua ròng gần 20 triệu đơn vị với giá trị hơn 600 tỷ đồng. Động thái này giúp HPG, từ một cổ phiếu bị bán ròng hơn 10 triệu đơn vị, trở lại trạng thái mua ròng tính từ đầu năm 2019. Ngoài HPG, nhiều mã chứng khoán khác trong nhóm bluechip như VNM, MSN, VCB, hay SSI cũng trở lại với dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài. Diễn biến này trái ngược với năm 2018, đặc biệt là những tháng cuối năm.

Vốn là kênh khá nhạy cảm với những thông tin kinh tế trong nước cũng như thế giới, thị trường chứng khoán còn hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa thông tin về thời điểm tăng lãi suất tiếp theo, giúp hạn chế biến động bất lợi tỷ giá, qua đó thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, việc FED thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất và đồng USD có thể giảm giá là yếu tố có lợi, giúp các thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam tăng thu hút dòng vốn gián tiếp nước ngoài. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sẽ theo dõi sát thị trường, đánh giá các biến động kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với các rủi ro, đồng thời tái cơ cấu thị trường và thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm có đủ năng lực... để chứng khoán phát triển lành mạnh. Ngoài các mục tiêu riêng cho chứng khoán, thị trường tài chính năm 2019 được dự đoán sẽ có nhiều triển vọng như nguồn cung tiền và tín dụng cho nền kinh tế được bảo đảm tăng thận trọng trong khoảng 14%, trong đó phần lớn chảy vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh tiềm ẩn ít rủi ro. Áp lực lạm phát nhiều khả năng cũng được kiểm soát, nên mặt bằng lãi suất và tỷ giá biến động không quá lớn.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán còn đang nhận được quan tâm và hỗ trợ lớn từ Chính phủ. Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28-2-2019 với hàng loạt giải pháp cụ thể sẽ đưa thị trường chứng khoán trở thành điểm sáng không chỉ của khu vực, mà còn với thế giới. Trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đang thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng trong và ngoài nước cho nền kinh tế. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong vòng 12 năm qua, từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên mức 72% trong năm 2018.

Hà Linh