Công nghiệp văn hóa - Nền tảng thành phố sáng tạo

Văn hóa - Ngày đăng : 06:35, 14/04/2019

Với hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa, hàng trăm làng nghề thủ công truyền thống cùng khối di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ, Hà Nội có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú và đa dạng bậc nhất cả nước. Đây là tiềm năng nhưng cũng là thách thức bởi bảo đảm sự hài hòa, phù hợp giữa bảo tồn và phát triển luôn là bài toán không đơn giản.

Biểu diễn múa rối nước tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: phương nguyên

Bài 1: Tiềm năng và thách thức

Với hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa, hàng trăm làng nghề thủ công truyền thống cùng khối di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ, Hà Nội có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú và đa dạng bậc nhất cả nước. Đây là tiềm năng nhưng cũng là thách thức bởi bảo đảm sự hài hòa, phù hợp giữa bảo tồn và phát triển luôn là bài toán không đơn giản.

“Mỏ vàng” chờ khai mở

Được hiểu là sự tập hợp các ngành kinh tế khai thác và sử dụng hiệu quả tính sáng tạo, kỹ năng, sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ có ý nghĩa văn hóa, xã hội, công nghiệp văn hóa có hơn 10 ngành nghề phù hợp để phát triển, như: Quảng cáo, kiến trúc, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh... Trong đó, Thủ đô Hà Nội với những thế mạnh từ bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống đến vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, đang hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa.

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận xét, với kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, hệ thống thiết chế văn hóa đa dạng, Hà Nội thực sự là một thành phố di sản.

Thủ đô sở hữu “mỏ vàng” nghệ thuật truyền thống, lại là nơi hội tụ đông đảo các chủ thể sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật mang tính tính chuyên nghiệp cao. Khơi dậy những tiềm năng ấy từ định hướng công nghiệp văn hóa sẽ góp phần mang lại hiệu quả kinh tế; đồng thời, giúp khẳng định bản sắc văn hóa, củng cố tính độc đáo của Hà Nội trên sự đa dạng văn hóa của đất nước.

Tuy nhiên, “mỏ vàng” ấy hiện chưa được khai thác hiệu quả. Sản phẩm du lịch, nhất là du lịch văn hóa - di sản, làng nghề - phố nghề - làng cổ; du lịch ẩm thực truyền thống… chưa phong phú, thiếu điểm nhấn. Chất lượng tác phẩm điện ảnh còn nhiều hạn chế về nội dung và nghệ thuật. Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống thiếu hụt về cơ sở vật chất và lực lượng sáng tác. Cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch (giao thông, bãi đỗ xe, khu vệ sinh…) tại nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống còn hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư. Các không gian sáng tạo vẫn đang loay hoay tìm lối đi do chưa có cơ chế đặc thù...

Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn nhận xét: Thực tế trên đã làm hạn chế khả năng sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa; hạn chế việc nâng cao bản sắc văn hóa truyền thống nghìn năm văn hiến và cả việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của người dân Thủ đô. Gỡ những hạn chế này, cần sự đầu tư đồng bộ và áp dụng nhiều giải pháp.

Đầu tư… từ đâu?

Biểu diễn ca trù trên phố Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm).


Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 đã được hoạch định cơ bản, chi tiết tại Kế hoạch 112/KH-UBND năm 2017 của UBND thành phố. Hà Nội đã chỉ ra những lĩnh vực có tiềm năng nổi trội, như: Nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, du lịch văn hóa…, để tập trung đầu tư, tạo ưu thế, thương hiệu cho riêng mình, như phấn đấu trở thành “Thành phố sáng tạo”, “Thành phố văn hiến”, “Thành phố sự kiện”. Tuy nhiên, lộ trình biến tiềm năng thành sức mạnh trong phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô vẫn có không ít khó khăn, thách thức đi kèm.

Thị trường văn hóa còn phát triển manh mún, tự phát, không chuyên nghiệp. Vi phạm bản quyền vẫn tồn tại. Thành phố chưa hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa, nhằm tạo ra khung pháp lý và khuyến khích sự phát triển, sáng tạo của các ngành sản xuất văn hóa…

Không khó để nhận thấy hệ lụy từ những tồn tại nêu trên. Nhìn từ lĩnh vực du lịch văn hóa, nhiều người làm du lịch vẫn thường tiếc nuối khi so sánh tiềm năng du lịch với một số nước bạn. Anh Lê Ngọc Hiền (Công ty Du lịch Tâm Long Travel) cho biết: “Đi nhiều nơi, chứng kiến các nước trong khu vực làm du lịch mới thấy ta để phí nhiều tài nguyên. Singapore, Thái Lan, Malaysia… có nhiều điểm du lịch dù không có chiều sâu nhưng vẫn nổi tiếng và thu hút đông đảo du khách. Tôi đi Thái Lan, vào khu du lịch Noo Núc của họ mà choáng ngợp. Một khu sản xuất gốm, so với Bát Tràng của Hà Nội thì còn quá non trẻ, nhưng được đầu tư, quy hoạch tốt tới mức trở thành điểm đến không thể bỏ qua. Du khách đổ xô tới vui chơi, tiêu tiền, khi về đều hài lòng. Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng có thừa điều kiện để phát triển hơn thế”.

Anh Đặng Đình Hải, chủ cơ sở sản xuất gốm nghệ thuật Hải Hảo, làng nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm) bày tỏ: "Tôi còn nhiều ý tưởng để sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn, nhưng ngặt nỗi đụng đâu, khó đó. Vốn, mặt bằng, kết nối với các đơn vị lữ hành… chính là điểm nghẽn hiện nay". Còn ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc, đồng thời là chủ cơ sở Phúc Hưng chia sẻ: “Nhiều lần chứng kiến công ty du lịch chở khách đến, ngó nghiêng quáng quàng rồi lại hối hả lên xe, tôi buồn lắm. Nếu có kế hoạch bài bản, lôi cuốn hơn để níu chân du khách, người ta sẽ không đến thăm làng mình theo kiểu “cho có” nữa.

Những vấn đề đặt ra trong phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô cho thấy, nếu không có sự điều chỉnh, đầu tư cần thiết sẽ bỏ lỡ cơ hội. Nói cách khác, việc nhận diện rõ những nhân tố tác động đối với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô sẽ là điều kiện thuận lợi, giúp tìm ra các giải pháp chủ động, tích cực, nhất quán, có tính thiết thực và hiệu quả để triển khai nhiệm vụ phát triển các ngành này trong thời gian tới. Câu hỏi “đầu tư… từ đâu?” vẫn còn tiếp tục khiến các nhà hoạch định chính sách, những cá nhân, tập thể nắm giữ tài nguyên trăn trở.

(Còn nữa)

Thanh Thủy