Bảo đảm nguồn cung, chất lượng lá gói thực phẩm
Xã hội - Ngày đăng : 07:47, 15/04/2019
Chị Đặng Thị Thúy Hằng, chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm Moomoo Farmily ở số nhà 101 Nguyễn Thị Định (quận Cầu Giấy) cho biết cửa hàng chuyên thu mua lá chuối, lá dong của người dân huyện Đan Phượng và Gia Lâm. Giá lá dong từ 25.000 đến 35.000 đồng/50 lá; còn lá chuối từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg. Theo chị Hằng, gói thực phẩm bằng lá chuối, lá dong không những bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn giúp giữ được độ tươi lâu hơn, nhất là với rau xanh...
Còn ông Trần Mạnh Chiến - chủ chuỗi cửa hàng nông sản sạch Bác Tôm chia sẻ: "Trong tổng số 22 cửa hàng của hệ thống thì có 5 cửa hàng đang triển khai gói rau bằng lá chuối, lá dong. Lá chuối, lá dong chúng tôi thu mua có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại huyện Đan Phượng, Gia Lâm, Thường Tín... và được lựa chọn kỹ, bảo đảm vệ sinh nên không gây ảnh hưởng đến chất lượng khi bao gói nông sản”.
Lần theo các địa chỉ cung cấp lá gói thực phẩm từ các cửa hàng, siêu thị, chúng tôi về một số vùng ngoại thành chuyên trồng chuối, lá dong để tìm hiểu về việc trồng, cung cấp lá. Chị Nguyễn Thị Hỡi, xã Thọ An (huyện Đan Phượng) cho biết: "Gia đình tôi có khoảng 2ha chuyên trồng chuối lấy lá, trung bình mỗi ngày thu hoạch từ 200 đến 300kg lá. Chuối trồng lấy lá không cần chăm sóc nhiều, không dùng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh nên bảo đảm an toàn".
Theo Chủ tịch UBND xã Thọ An Nguyễn Trần Quyết, trung bình 15 ngày là chuối trồng lấy lá cho thu hoạch một đợt. Hiện toàn xã Thọ An có 15ha trồng chuối lấy lá, sản lượng khoảng 80 tấn/tháng với giá bán buôn tại ruộng từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg. “Với sức thu mua hiện nay, chúng tôi sẽ vận động nông dân địa phương mở rộng diện tích trồng cây chuối lấy lá để có thêm thu nhập” - ông Quyết nói.
Ở huyện Gia Lâm, thời gian gần đây cũng có nhiều nhân viên siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch đến thu mua lá chuối tươi để gói bánh, gói rau với giá bán tại ruộng từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Lê Thị Thu Hằng cho biết, toàn huyện có khoảng 180ha trồng chuối tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP có thể đáp ứng nguồn cung cho hàng chục siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, giúp nông dân tăng thu nhập.
Cũng như nhiều địa phương có diện tích trồng cây chuối, thời điểm này người dân các xã ở huyện Ba Vì, Thanh Oai, Phúc Thọ... hồ hởi đón tiếp nhiều nhân viên siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch đến thu mua lá dong. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kim An Đỗ Hùng Cường cho biết, trên địa bàn xã có thôn Tràng Cát chuyên trồng cây dong bán lá, phục vụ nhu cầu gói bánh khắp nơi. Lá dong được thu mua tại ruộng với giá 1.000 đồng/lá loại to, còn loại nhỏ từ 300 đến 500 đồng/lá.
“Gần đây, nhân viên nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch về địa phương khảo sát, thu mua lá dong dùng gói rau, thực phẩm, do đó hợp tác xã đang xem xét, tính toán vận động người dân mở rộng diện tích trồng cây dong bởi có cầu ắt có cung” - ông Cường chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về sản lượng và việc kiểm soát chất lượng lá chuối dùng để gói thực phẩm trên địa bàn thành phố, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội khẳng định: Hiện nay diện tích trồng chuối chuyên lấy lá của Hà Nội chưa nhiều, chủ yếu là chuối trồng lấy quả. Một số vùng trồng chuối lấy lá thì mới "manh nha" với quy mô nhỏ, lẻ... Do nhu cầu phát sinh của các siêu thị và chuỗi cửa hàng an toàn thực phẩm nên nông dân tận thu lá để bán cho những đơn vị trên.
Thời gian tới, chúng tôi tăng cường kiểm tra các cửa hàng và các đơn vị sử dụng lá chuối gói thực phẩm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ; đồng thời, có biện pháp kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với vùng trồng chuối lấy lá. Các siêu thị, chuỗi cửa hàng an toàn đang sử dụng các loại lá gói hàng sẽ được cung cấp các loại giấy chứng nhận rõ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với số lá nhập về phục vụ đóng gói sản phẩm.
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết: Hiện, toàn thành phố có hơn 3.200ha trồng cây chuối, trong đó các huyện có diện tích trồng chuối lớn gồm: Thường Tín, Gia Lâm, Mê Linh… Nguồn cung lá dong tập trung tại một số huyện: Thanh Oai, Ba Vì, Phúc Thọ… Đây là các vùng chuyên canh trồng cây dong, cung ứng lá cho các làng nghề gói bánh với diện tích hàng trăm héc ta.
“Về vệ sinh an toàn thực phẩm thì cơ bản các loại lá này bảo đảm, bởi trồng cây chuối, cây dong không cần sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật. Đáng chú ý, diện tích trồng cây chuối theo tiêu chuẩn VietGAP của Hà Nội đang dần được mở rộng. Do đó, không chỉ chất lượng quả mà chất lượng lá cũng an toàn” - bà Hoàng Thị Hòa khẳng định.