Sớm tháo gỡ những “điểm nghẽn”

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:42, 15/04/2019

(HNM) - Thời gian qua, việc đẩy mạnh thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (gọi tắt là VietGAP) trong lĩnh vực trồng trọt đã góp phần nâng cao giá trị, kiểm soát nguồn gốc nông sản. Tuy nhiên, mô hình này vẫn khó nhân rộng, bởi chi phí đầu tư sản xuất khá tốn kém, đầu ra sản phẩm chưa ổn định...


Diện tích tăng, hiệu quả kinh tế cao

Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) là một trong những mô hình tiêu biểu của Hà Nội. Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Khảm chia sẻ, 5ha trồng rau xanh của hợp tác xã đã được ứng dụng hệ thống tưới tự động, có nhà giàn để trồng rau trái vụ và phòng trừ sâu bệnh hại. Nhờ tuân thủ quy trình tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm rau của hợp tác xã được các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể ký hợp đồng thu mua với giá cả ổn định.

Sản xuất nông sản sạch tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Viết Thành


Trang trại trồng cây ăn quả quy mô 12ha của ông Trần Văn Dàu, ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm cũng là một trong những điển hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của Hà Nội. Trong 6 năm qua, trang trại này trồng cây cam, cây bưởi áp dụng quy trình nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Năm 2018 vừa qua, trang trại của gia đình ông Dàu đã cho thu hoạch khoảng 100 tấn cam các loại, doanh thu 14 tỷ đồng.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, diện tích cây trồng theo quy trình an toàn của Hà Nội đạt gần 10.000ha. Gần 200 đơn vị được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP với các loại cây trồng như: Lúa, chè, rau, củ, quả…

Không riêng Hà Nội, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đơn cử tỉnh Sơn La, đến nay đã có 20.000ha áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, sản lượng trái cây xuất khẩu của tỉnh năm qua đạt 17.500 tấn và đã xuất khẩu sang một số thị trường lớn: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp… Năm nay, xuất khẩu các loại nông sản của tỉnh Sơn La ước đạt 135.306 tấn.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 1.845 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích hơn 80.000ha, tăng 61.000ha so với năm 2017. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Không dừng lại ở đó, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với truy xuất nguồn gốc đã tạo niềm tin với người tiêu dùng và thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản.

Khắc phục những tồn tại, bất cập


Mặc dù đem lại nhiều lợi ích, nhưng việc phát triển cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển thực phẩm công nghệ sạch ở xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) Nguyễn Tài Tuấn cho biết, đầu ra cho sản phẩm trồng trọt đạt tiêu chuẩn VietGAP gặp khó khăn khiến nhiều địa phương chưa mạnh dạn mở rộng diện tích. Hiện mới có từ 30% đến 50% sản phẩm rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP của công ty được tiêu thụ ổn định tại bếp ăn tập thể, chuỗi cửa hàng nông sản…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Văn Hùng, nguyên nhân chính khiến nông dân khó mở rộng diện tích cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP là do quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP rất khắt khe, trong khi năng lực tài chính của nông dân còn hạn chế nên bà con chưa mạnh dạn đầu tư.

Mặt khác, nhiều địa phương chưa chú trọng quan tâm tập huấn cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; khâu bảo quản sản phẩm hỗ trợ tiêu thụ liên kết thương mại giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng chưa bài bản...

Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giúp nông dân hiểu được lợi ích của sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời cử đội ngũ cán bộ trồng trọt, bảo vệ thực vật cắm chốt tại các vùng sản xuất tập trung, giai đoạn đầu phải cầm tay chỉ việc, giám sát, nhắc nhở, phát hiện kịp thời những vi phạm sai quy trình sản xuất.

Liên quan đến công tác đánh giá, cấp giấy chứng nhận, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận những vấn đề hạn chế và nhấn mạnh cần phải có sự thay đổi cho phù hợp. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến từ các địa phương để đề xuất và có những giải pháp đồng bộ, giúp các địa phương tiếp tục nhân rộng diện tích cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Về đầu ra cho nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản gắn với vùng sản xuất, hướng tới xuất khẩu. Các địa phương tiếp tục củng cố hoạt động hợp tác xã theo hướng bám sát nhu cầu thị trường, mở rộng liên doanh liên kết theo chuỗi.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nông sản an toàn; xây dựng, mở rộng, hợp tác, phát triển các chuỗi cung ứng rau, củ, quả an toàn giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước…

Bạch Thanh