Bảo lãnh thông quan: Giảm chi phí, nâng tính tuân thủ pháp luật

Xã hội - Ngày đăng : 07:24, 16/04/2019

(HNM) - Tại Việt Nam, cơ chế bảo lãnh thông quan đang được cơ quan chức năng nghiên cứu để triển khai trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành khẳng định, bảo lãnh thông quan sẽ rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, giảm chi phí, đồng thời góp phần nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Bảo lãnh thông quan sẽ rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ảnh: Thái Hiền


- Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan. Ông có thể cho biết chi tiết về vấn đề này?

- Theo quy định, để được thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chứng từ, doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ bắt buộc liên quan đến hàng hóa như nộp các khoản thuế, phí, thu khác, nếu có sai phạm còn phải chịu trách nhiệm chấp hành các hình thức phạt tiền hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả... Do nhu cầu thị trường, hoặc hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện nhưng mong muốn được thông quan sau đó sẽ hoàn thành các thủ tục tiếp theo. Đây là đòi hỏi rất thực tiễn của doanh nghiệp cần có giải pháp tháo gỡ. Bảo lãnh thông quan chính là hình thức cam kết bảo lãnh về mặt tài chính mà cơ quan Hải quan yêu cầu đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi chưa hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định, nhưng mong muốn được giải phóng hàng hóa, thông quan hàng hóa.

Cơ chế bảo lãnh thông quan đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới. Tại một số quốc gia như Hoa Kỳ và châu Âu, bảo lãnh thông quan đã được mở rộng và phát triển vượt bậc để trở thành một công cụ hữu hiệu trong tạo thuận lợi thương mại xuất nhập khẩu...

- Cơ chế bảo lãnh thông quan sẽ mang lại lợi ích như thế nào đối với các bên tham gia, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh cải cách, hội nhập kinh tế quốc tế?

- Cơ chế bảo lãnh thông quan sẽ cung cấp cơ chế kiểm soát để cho phép giảm thời gian thông quan và tăng cường tính tuân thủ, mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia trực tiếp. Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bảo lãnh thông quan sẽ rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, giảm chi phí, sớm đưa hàng hóa vào sản xuất; đồng thời góp phần nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp...

Đặc biệt, tôi nhấn mạnh từ “nhanh” - khi hàng hóa nhanh được đưa về bảo quản sẽ bảo đảm chất lượng hàng của doanh nghiệp, giảm chi phí lưu kho tại cửa khẩu. Hàng hóa nhanh được thông quan sẽ nhanh được đưa vào sản xuất, đưa ra lưu thông, nguồn vốn có thể thu hồi nhanh, không bị phạt hợp đồng vì giao hàng chậm muộn. Bảo lãnh thông quan cũng giúp cho cơ quan Hải quan nâng cao năng lực quản lý, bảo đảm nguồn thu nộp ngân sách, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan. Đồng thời là công cụ hỗ trợ cho cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc kiểm soát việc tuân thủ các quy định pháp luật về kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp thông qua tổ chức bảo hiểm.

Theo đánh giá của các chuyên gia Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF) tại Hoa Kỳ, bảo lãnh thông quan sẽ giảm chi phí hành chính 0,1-0,5%, giảm chi phí thông quan 0,5-0,8% trị giá lô hàng, tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%.

- Tại sao Việt Nam lại chọn nghiên cứu, triển khai cơ chế bảo lãnh thông quan trong thời điểm này?


- Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, hoặc đa phương được ký kết, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh công tác cải cách, hiện đại hóa, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng, tiếp cận được thị trường khu vực và toàn cầu.

Chính phủ đã, đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành phải đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới. Mục tiêu đến năm 2020 môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình ASEAN 3, trong đó thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới là dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và dưới 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Để đạt được mục tiêu này, một trong những yêu cầu được đặt ra là Việt Nam cần thực hiện cải cách, đổi mới áp dụng phương pháp quản lý phù hợp tạo thuận lợi thương mại, thông quan nhanh chóng, trong đó việc áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan của một số nước phát triển trên thế giới như: Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc.

Từ những lợi ích mà bảo lãnh thông quan mang lại, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26-9-2018 về “Phê duyệt kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020”; giao Bộ Tài chính xây dựng đề án thí điểm thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan đối với một số mặt hàng xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.

- Vậy cơ chế bảo lãnh thông quan sẽ được triển khai theo lộ trình nào, thưa ông?

- Việc nghiên cứu tính khả thi của cơ chế bảo lãnh thông quan đã được Tổng cục Hải quan cùng các bộ, ngành liên quan thực hiện thông qua việc khảo sát mô hình, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước và tổ chức trao đổi với các cơ quan có liên quan. Để bảo đảm cơ sở pháp lý và tiến độ triển khai, Tổng cục Hải quan sẽ đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xây dựng đề án kèm nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Việc triển khai bảo lãnh thông quan dự kiến chia thành 3 giai đoạn. Trước tiên sẽ triển khai thí điểm, sau đó sẽ đánh giá kết quả tác động để triển khai mở rộng và tiến tới chính thức.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Đức Anh