Cháy nổ tại các chợ: Lơ là cả “phòng” lẫn “chống”
Đời sống - Ngày đăng : 06:39, 16/04/2019
Để xử lý triệt để tồn tại trong phòng cháy, chữa cháy, các chợ rất cần được đầu tư xây dựng lại hạ tầng, trong đó có hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Trong ảnh: Kiểm tra công tác phòng cháy tại chợ Nành (huyện Gia Lâm). |
Nguy cơ vẫn tiềm ẩn
Chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng) là một trong những chợ lớn nằm giữa nội đô Hà Nội và trước đây luôn là địa điểm có nhiều thiếu sót trong phòng cháy, chữa cháy. Nhưng nhận thức được công tác phòng cháy, chữa cháy là vấn đề sống còn đối với chợ, từ cuối năm 2018, Ban Quản lý chợ đã xây dựng hệ thống cảm biến báo cháy và hệ thống chữa cháy tự động hiện đại, lắp đặt hoàn chỉnh đến từng ki ốt. Cùng với đó, trạm biến áp, bể nước chữa cháy với dung tích 300m3 đã được hoàn thiện, bảo đảm chủ động cung cấp nguồn nước và nguồn điện phục vụ chữa cháy. “Hằng năm, Ban Quản lý chợ đều tổ chức tập huấn, thực tập phương án cho đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và các hộ kinh doanh. Hằng ngày, chúng tôi cũng tổ chức phân công bảo vệ tuần tra, kiểm soát về phòng cháy, chữa cháy 24/24 giờ”, ông Nguyễn Anh Quân, Phó ban Quản lý chợ Hôm - Đức Viên cho biết.
Tuy nhiên, không phải chợ truyền thống nào cũng có thể khắc phục những tồn tại về phòng cháy, chữa cháy như Chợ Hôm - Đức Viên. Đầu tháng 4 vừa qua, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) đã tái kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại chợ Nành (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm). Đây là một trong những chợ đầu mối kinh doanh vải lớn nhất cả nước. Chợ hiện có 4 khu kinh doanh nhưng mới chỉ có 1 khu được thẩm duyệt, nghiệm thu đầy đủ về phòng cháy, chữa cháy. Qua kiểm tra, chợ Nành vẫn còn nguyên các vi phạm đã được ghi nhận qua đợt kiểm tra vào cuối năm 2018, như chưa có hệ thống báo cháy tự động, giao thông không bảo đảm phục vụ chữa cháy. Ngoài ra, khoảng cách từ chợ đến nhà dân không an toàn; hầu hết lối thoát nạn bị lấn chiếm...
Giải trình về việc này, ông Thạch Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Ninh Hiệp (đơn vị quản lý chợ Nành) cho biết, nguyên nhân do chợ đã được xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất xuống cấp. Đồng thời, đơn vị quản lý thiếu kinh phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị…(!?).
Vấn đề ở chợ Nành cũng là thực trạng chung của nhiều chợ truyền thống hiện nay. Theo Thiếu tá Vũ Đình Chiến, Đội phó Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ), Hà Nội hiện có hơn 480 chợ thì có đến 80% không bảo đảm các tiêu chí về phòng cháy, chữa cháy. Trong khi đó, ông Bùi Doãn Dũng, Trưởng ban Quản lý chợ quận Cầu Giấy cho biết, hầu hết chợ trên địa bàn quận rất khó có thể đáp ứng được mọi yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Bởi đa phần các chợ đều được xây dựng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy hiện hành có hiệu lực; cơ sở hạ tầng xuống cấp, diện tích quy hoạch nhỏ không thể đáp ứng được việc sửa chữa, lắp đặt các trang thiết bị mới.
Ý thức phòng ngừa vẫn là chính
Hầu hết các chợ trên địa bàn quận Đống Đa chưa bảo đảm các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Thái Hiền |
Việc các chợ không có biện pháp khắc phục các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy có thể dẫn đến những sự cố nghiêm trọng. Đơn cử như vụ cháy gây thiệt hại lớn tại chợ Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) xảy ra vào ngày 21-6-2018. Kết quả điều tra cho thấy, Ban Quản lý chợ có nhiều vi phạm trong công tác quản lý về phòng cháy, chữa cháy, mà điển hình là từ năm 2017 đến khi xảy ra sự cố, Ban Quản lý chợ không khắc phục những tồn tại đã được Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy kiểm tra và nhiều lần yêu cầu trước đó.
Ông Trịnh Ngọc Lâm, Trưởng ban Quản lý chợ quận Đống Đa nhận định, việc khắc phục vi phạm, trang bị thêm các phương tiện phòng cháy, chữa cháy chỉ là biện pháp tạm thời, thậm chí với nhiều chợ là mang tính đối phó. Biện pháp triệt để nhất là các chợ truyền thống phải được đầu tư xây dựng lại thì mới đáp ứng được đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tại quận Đống Đa, các chợ hiện nay chưa thể triển khai xây dựng mới, điều đó đồng nghĩa với việc 100% các chợ chưa thể bảo đảm các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Việc đình chỉ hoạt động của chợ cũng rất khó thực hiện bởi liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, có thể dẫn đến nguy cơ mất an ninh, trật tự. Biện pháp trước mắt theo ông Trịnh Ngọc Lâm là ban quản lý các chợ phải bố trí nhân lực, phương tiện hiện có để bảo đảm an toàn phòng cháy ở mức cao nhất. Cùng với đó là kiên trì tuyên truyền vận động, hướng dẫn tiểu thương và người dân tự giác thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng cháy, như không thắp hương, đốt vàng mã...
Theo Thiếu tá Vũ Đức Hưng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn thành phố không xảy ra cháy chợ. Điều này cho thấy công tác chủ động phòng cháy tại các chợ đã được nâng cao. Tuy nhiên, không thể lơ là khi nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thiếu tá Vũ Đức Hưng cho rằng, để ngăn ngừa “bà hỏa” ghé thăm, trước hết Ban Quản lý các chợ phải tăng cường tự kiểm tra, rà soát việc sắp xếp hàng hóa, sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt tại chợ. Các cơ quan chủ quản như UBND quận, huyện, thị xã phải xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm về công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy. Cùng với đó, phải đầu tư kinh phí cho công tác khắc phục, sửa chữa, xây dựng lại hạ tầng chợ và trang thiết bị của lực lượng chữa cháy cơ sở. Điều quan trọng nhất là nâng cao ý thức, kỹ năng bảo đảm an toàn của các tiểu thương. Mỗi người phải là một chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy tại chỗ thì mới hạn chế sự cố cháy nổ có thể xảy ra.
Theo UBND thành phố Hà Nội, hiện có 36 chợ truyền thống trong tổng số 1.317 cơ sở không bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 về “Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực”. |