Theo sát nhu cầu thị trường lao động

Tuyển sinh - Ngày đăng : 07:56, 17/04/2019

(HNM) - Kết quả tuyển sinh, đào tạo nghề trong những năm vừa qua tuy khả quan, nhưng vẫn mất cân đối. Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong năm học 2019-2020, mạng lưới các trường nghề tập trung tổ chức tuyển sinh theo sát nhu cầu thị trường lao động.


Vẫn còn mất cân đối về cơ cấu

Thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, năm 2018, gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước đã tuyển sinh hơn 2,2 triệu người, đạt 100,5% kế hoạch. Số người tốt nghiệp các trường nghề đạt gần 2,1 triệu người, trong đó có hơn 400.000 người tốt nghiệp hệ cao đẳng, trung cấp, góp phần bổ sung cho xã hội lực lượng lớn lao động đã qua đào tạo.

Các trường đào tạo theo “tín hiệu” thị trường, người học nghề dễ tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.


Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong quá trình tuyển sinh và đào tạo, đa số người học có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Hiện tại, cả nước có khoảng 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng có việc làm ngay với mức lương khởi điểm từ 5,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng và 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề uy tín đều có việc làm. “Học nghề với tinh thần đam mê, sáng tạo, em đã đạt giải cao tại kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018. Với kỹ năng nghề đã có, em được một số công ty, tập đoàn lớn mời làm việc sau khi ra trường với mức lương khá cao”, em Nguyễn Văn Hưng, sinh viên nghề cơ điện tử, Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội cho hay.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả khả quan, một số cơ sở, ngành nghề còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Do thiếu nguồn “đầu vào”, Trường Cao đẳng Nghề số 3 và số 5 thuộc Bộ Quốc phòng phải tạm ngừng tuyển sinh trình độ cao đẳng. Một số ngành, nghề dù xã hội rất cần vẫn không thể tuyển đủ thí sinh như khoan nổ mìn, công nghệ mạ, chế tạo khuôn mẫu... Hệ quả là, cơ cấu tuyển sinh, đào tạo nghề vẫn mất cân đối. Điều đó được thể hiện, thị trường đang cần lao động có chuyên môn, tay nghề cao, trong khi số người học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm 25%; số người học nghề trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác chiếm tới 75%.

Theo ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) các trường nghề gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó là, công tác thông tin, dự báo về cung - cầu lao động trong nước, quốc tế chưa sát, chưa kịp thời. Một số gia đình, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục nghề nghiệp. Mặt khác, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp còn chồng chéo, chưa có nhiều trường chất lượng cao đạt trình độ quốc tế...

Gắn tuyển sinh, đào tạo với giải quyết việc làm

Phát triển giáo dục nghề nghiệp là giải pháp cơ bản để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Do đó, cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, các trường nghề tiếp tục mở rộng tuyển sinh, hướng tới những ngành, nghề xã hội đang cần. Ông Nguyễn Yên Thắng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và giải quyết việc làm, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội cho biết: “Năm học 2019-2020, nhà trường mở thêm 6 nghề mới với số lượng khoảng 300 người, trong đó có hai nghề đào tạo theo đơn đặt hàng là kỹ thuật xét nghiệm y học và kỹ thuật thiết bị cơ điện, điện tử y tế. Số lượng tuyển sinh đầu vào theo mô hình 9+, dành cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học văn hóa song song với học nghề tăng từ 300 lên khoảng 500 người”.

Hiện việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng gắn kết với thị trường lao động tiếp tục được nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng. Trên tinh thần đó, năm 2019, toàn thành phố đặt mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 205.000 lượt người, trong đó có gần 16.000 lao động nông thôn. “Dù đào tạo nghề theo trình độ nào, các ngành, đơn vị, địa phương cũng lấy chất lượng là mục tiêu hàng đầu”, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nhấn mạnh.

Trên phạm vi cả nước, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp phấn đấu tuyển sinh đạt 2,26 triệu người. Số người tốt nghiệp các trường nghề dự kiến đạt gần 2,2 triệu người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên hơn 60%. Để đạt mục tiêu này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; tạo điều kiện cho người học có thể đăng ký tuyển sinh qua ứng dụng “chọn nghề - chọn trường” trên thiết bị di động...

Đáng chú ý là vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 07/2019/ TT-BLĐTBXH quy định “Quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng”. Điểm mới của quy định này là học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học trình độ cao đẳng có thể đăng ký dự tuyển. “Giáo dục nghề nghiệp đang được ưu tiên, khuyến khích để phát triển toàn diện, góp phần cung ứng cho xã hội lực lượng lao động có kỹ năng, tay nghề cao”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết.

Hà Hiền