Thăng trầm quan hệ Nga - NATO

Thế giới - Ngày đăng : 06:53, 17/04/2019

(HNM) - Quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên tục thăng trầm khi mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksander Grushko tuyên bố Mátxcơva và NATO đã hoàn toàn chấm dứt các quan hệ hợp tác ở cả lĩnh vực dân sự và quân sự.

Nga từng phản ứng gay gắt trước kế hoạch NATO đưa quân tới đồn trú tại 6 nước có chung đường biên giới với quốc gia này.


Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, NATO đã từ chối các nội dung nghị sự tích cực trong quan hệ với Nga, đồng thời ông đánh giá việc Liên minh này quyết định dừng các cuộc tiếp xúc làm việc trong lĩnh vực quân sự với Nga là không có lý do. Ông Grushko đưa ra phát biểu trên sau khi các tướng lĩnh về hưu cũng như đương nhiệm của Mỹ bày tỏ quan ngại khi thiếu sự liên lạc kết nối giữa Mátxcơva và Washington có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân. Quan hệ giữa Nga và NATO đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cả hai bên đều có những động thái quân sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột trong khu vực.

Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Mátxcơva. Khối liên minh này ra sức cáo buộc Nga can thiệp tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên Xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. Thậm chí, NATO còn đang triển khai các lực lượng lên đến hàng nghìn quân, đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga. Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại cam kết mà tổ chức này đưa ra trong Dự luật Nga - NATO.

Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Điện Kremlin nhấn mạnh, Mátxcơva không gây ra mối đe dọa nào cho các quốc gia khác, nhưng sẽ không thể không có những hành động đáp trả nếu gây nguy hiểm cho lợi ích của Nga. Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô viết của nước này. Mátxcơva bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO. Gần đây, quan hệ Nga và NATO tiếp tục leo thang căng thẳng sau khi xảy ra vụ đụng độ hải quân giữa Nga và Ukraine ở Biển Đen hồi tháng 11-2018.

Ngoài vụ việc liên quan đến Ukraine, Nga và NATO còn đang mâu thuẫn về kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ và về Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Nga cảnh báo, một chiến lược phòng thủ tên lửa mới của Mỹ trong khu vực có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm trong không gian và sẽ không khác gì việc khởi động lại chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” thời Chiến tranh Lạnh. Hiện chi phí quân sự của NATO (khoảng 1.000 tỷ USD), cao hơn chi phí của Nga gấp 22 lần.

Theo giới quân sự Nga, NATO có thể đổi mới thông qua con đường thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đích thực với Nga. Tuy nhiên, kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Nga - NATO năm 2010 tại Lisbon (Bồ Đào Nha) NATO đã không thể "hy sinh" tính chất "độc quyền" của mình, do đó không tìm ra được “nghệ thuật nhượng bộ” và làm việc vì những lợi ích chung.

Quan hệ ảm đạm kéo dài giữa Nga và NATO đang gây không ít tổn hại đến lợi ích của hai bên. Hiện nay, NATO đang phải đối mặt những thách thức truyền thống và phi truyền thống. Theo đó, chủ nghĩa khủng bố, nhất là mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tiếp tục là nguy cơ đối với tình hình an ninh tại khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Ngoài ra, cuộc xung đột chưa có hồi kết ở Syria và làn sóng người di cư ồ ạt tràn vào châu Âu đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo khối.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Mátxcơva có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến chống IS, cũng như việc giải quyết các điểm nóng trên thế giới. Chính vì vậy, con đường tốt nhất để Nga và NATO xích lại gần nhau là cả hai bên cùng tỏ thiện chí hợp tác và từng bước xây dựng lòng tin.

Thùy Dương