Mái ấm của những mảnh đời nghệ sĩ
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:48, 17/04/2019
Ngôi nhà của những nghệ sĩ tài danh
Chúng tôi đến thăm Viện Dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8, thành phố Hồ Chí Minh) vào một ngày giữa tháng 4-2019. Không khí tại đây trong lành và mát mẻ vì ngôi nhà chung của các cụ được bao quanh bằng nhiều cây xanh... Từ xa, chúng tôi đã nghe tiếng ca cải lương, những bài hát vang bóng một thời khi họ còn đứng trên sân khấu.
Ca sĩ Mỹ Tâm đến thăm các nghệ sĩ tại Viện Dưỡng lão nghệ sĩ. (Ảnh do Viện cung cấp) |
Hiện viện dưỡng lão có khoảng 20 nghệ sĩ, là những tên tuổi vang bóng một thời như: Ngọc Đáng, Hoài Dung, Thiên Kim, Diệu Hiền, Kiều Thu, họa sĩ Hoài Nam, danh hề Trường Sơn, Nam Thanh, Tuyết Nga, Minh Viễn, Thanh An, Thành Phá Lang, nhạc sĩ piano Ngọc Bê, Lệ Thẩm, Bạch Yến... Họ đều có thâm niên trong nghề sân khấu, ít nhất cũng 25 năm và giờ lâm cảnh nghèo khó, không người nuôi dưỡng.
Một trong những người vào Viện Dưỡng lão nghệ sĩ từ những ngày đầu tiên là nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Thẩm, nghệ danh Lệ Thẩm. Bà sinh năm 1937 tại Bạc Liêu. Ngay từ lúc 4-5 tuổi, bà đã đi hát và 17 tuổi đã là đào chánh trong các đoàn hát lớn, là bà bầu của Đoàn cải lương Nhị Hương - Tuấn Sĩ. Với vóc dáng đẹp và giọng ca khỏe, Lệ Thẩm luôn là thần tượng của nhiều người, thế nhưng về cuối đời bà lại không nơi nương tựa. “Ngày xưa tôi có được mọi thứ nhưng rồi không giữ được...”, nghệ sĩ Lệ Thẩm ngậm ngùi chia sẻ.
Những ai đã từng vào Viện Dưỡng lão nghệ sĩ có lẽ sẽ khó quên khuôn mặt luôn nở nụ cười hiền hậu của nghệ sĩ Thiên Kim. Từ nhỏ, nghệ sĩ Thiên Kim đã theo gia đình đi hát và là đào thương cho các đoàn: Kim Thoa, Năm Châu, Nam Hồng, Lam Sơn, Sóng Mới, Tiếng Chuông, Bích Thuận... Còn giờ đây nhiều khán giả xem truyền hình khi nhìn thấy nghệ sĩ Thiên Kim ngoài đời đều dễ nhận ra vì bà thường đóng vai “bà ngoại” trong nhiều bộ phim truyền hình.
Người vào Viện Dưỡng lão nghệ sĩ mới nhất là nam nghệ sĩ Thanh An, quê ở Bến Tre, năm nay đã 73 tuổi. Tuy đã bước sang tuổi “cổ lai hy” nhưng nghệ sĩ Thanh An vẫn còn giọng ca dài và khỏe. Ông khoe vừa đi hát từ thiện về. Ông cho biết, đã theo nghề từ năm 17 tuổi, từng nổi tiếng trong các vở “Khi rừng mới sang thu”, “Con cò trắng”, “Vàng sáu, bạc mười” và “Lan huệ sầu ai”... Sau 1975, nghệ sĩ Thanh An đã theo Đoàn cải lương Tiếng ca đất Mũi phục vụ các tỉnh Minh Hải, Cà Mau, Bạc Liêu và từ năm 2000 thì ông trở về thành phố...
Còn nhạc sĩ Ngọc Bê (năm nay đã gần 80 tuổi, bà là cháu nghệ sĩ Phùng Há) chia sẻ: "Thời xưa tôi làm cho rất nhiều đoàn lớn nhỏ như Thanh Chung, Ngọc Nga... cả tuổi trẻ đi rong ruổi khắp mọi miền đất nước. Đi đến đâu là người hâm mộ vây quanh đến đó, họ xin chữ ký, xin hình rồi tặng quà, gửi thư đủ cả. Ở gánh hát, tôi sáng tác nhạc và đàn, các tác phẩm của tôi được nhiều gánh sử dụng... Nhưng đó là quá khứ. Những người yêu thương chúng tôi, họ đã già hoặc đã khuất núi rồi!”.
Ấm tình nghệ sĩ
Ở Viện Dưỡng lão nghệ sĩ, các nghệ sĩ thường xuyên tham gia giao lưu văn nghệ. Khi ánh hào quang sân khấu đã tắt, trở về với đời thường, nhiều nghệ sĩ vẫn đau đáu gánh nặng hai vai: Nợ áo cơm và nợ nghệ thuật. Là những người đã quen với cuộc sống tài tử, khi sa cơ, họ đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Người thì con cái quá nghèo, người lại không có con, họ từng phải bon chen kiếm sống bằng những nghề cơ cực không liên quan đến nghệ thuật như bán dạo, làm rẫy... Người may mắn hơn thì “nhờ” sự nổi tiếng để tham dự những gameshow, hay đóng clip quảng cáo.
Nghệ sĩ Mộng Lành một thời đình đám trên sân khấu cải lương với giọng ca ngọt ngào truyền cảm. Thế nhưng, bà từng nhiều năm phải sống ở gầm cầu, vỉa hè vì không có nhà để ở. Thời gian không đi hát, bà đi bán vé số ở đường Vĩnh Khánh, quận 4 để kiếm sống qua ngày. Mãi cho tới khi thấy bà nhiều lần bị đuổi vì “chiếm lòng lề đường”, người ta mới biết, người phụ nữ có mái tóc bạc trắng ấy từng là một nghệ sĩ tiếng tăm. Sau này, bà được đưa về sống tại khu dưỡng lão này.
Cũng có nghệ sĩ vào đây không phải vì quá nghèo hay neo đơn mà bởi những lý do khác. Đơn cử như nghệ sĩ Kiều Lệ Thu, một giọng ca tuyệt vời của sân khấu cải lương, đến đây vì không muốn ảnh hưởng đến cuộc sống của con cháu và nhớ nghề. Nghệ sĩ Kiều Lệ Thu chia sẻ: “Bây giờ con cháu đều thành đạt, có gia đình hạnh phúc. Tôi cũng ngoài 80, nhiều đêm nhớ nghề, nằm nghĩ về những lần đi diễn mà chảy nước mắt. Tôi xin vào đây để sống trong bầu không khí nghệ sĩ cho đỡ nhớ, những đêm rằm còn được hát cùng với các nghệ sĩ, có khán giả vỗ tay tán thưởng, thế là hạnh phúc nhất”.
Theo soạn giả Đức Hiền, Ban Quản lý Viện Dưỡng lão nghệ sĩ, cứ vào đêm rằm hằng tháng, tại sân khấu của khu dưỡng lão, các nghệ sĩ lại cùng quây quần biểu diễn. Cũng có lúc có cả những nghệ sĩ trẻ tới góp vui. Khán giả kéo đến xem đông như hội... Tiếng hát hòa cùng tiếng vỗ tay cổ vũ của khán giả gợi lại cho những nghệ sĩ hoài niệm rực rỡ của một thời hoàng kim trên sân khấu... Mỗi khi có người đến thăm, các cụ đều nhiệt tình hát tặng khách và chia sẻ những câu chuyện tình nghĩa, đầy xúc động của mình.
Qua trò chuyện với các nghệ sĩ, có một điều khá bất ngờ là khi hỏi về ước muốn, tất cả đều cười và cho biết: “Tôi chẳng còn thích gì nữa, ở đây cơm ngày hai bữa là đủ quá rồi…”. Hiện các nghệ sĩ ở đây sống nhờ tiền tài trợ của các “mạnh thường quân” cộng thêm tiền trợ cấp 380.000 đồng/người mỗi tháng từ ngân sách nhà nước.
Sắp tới, Viện Dưỡng lão nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở rộng, tiếp nhận nhiều nghệ sĩ lão làng từ nhiều lĩnh vực khác nhau như âm nhạc, điện ảnh, múa, xiếc, ảo thuật, hội họa, sân khấu. Có thể nói, đây là một trong những viện dưỡng lão tốt nhất tại thành phố, thấm đượm nghĩa tình, tính nhân văn - một ngôi nhà ấm áp cho các nghệ sĩ sau những cống hiến suốt tuổi thanh xuân.
Theo soạn giả Đức Hiển, thành viên Ban Quản lý Viện Dưỡng lão nghệ sĩ, khu dưỡng lão do Ban Ái hữu nghệ sĩ thành phố - một tổ chức xã hội từ thiện quản lý. Ban Ái hữu nghệ sĩ do các nghệ sĩ Trần Hữu Trang, Phùng Há, Năm Châu... sáng lập năm 1946. Ngày 7-3-1981, Ban Ái hữu nghệ sĩ thành phố trở thành một ban của Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh. |