Ngô Quyền - Người đặt nền móng cho nhà nước quân chủ đầu tiên ở Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 13:09, 18/04/2019
trên đất nước ta. Sau chiến thắng này, Ngô Quyền ghi danh vào trang sử hào hùng của dân tộc không chỉ là vị tướng tài năng, mà còn là người đầu tiên "mở nước xưng Vương", đặt nền móng cho độc lập, tự chủ thực sự và lâu dài của dân tộc.
Chấm dứt thời kỳ đô hộ của phong kiến phương Bắc
Thế kỷ X được xem là thế kỷ bản lề cho nền độc lập, tự chủ của dân tộc. Hai cuộc kháng chiến giành thắng lợi của Khúc Thừa Dụ (năm 905) và Dương Đình Nghệ (năm 931) đã bước đầu phá bỏ ách thống trị của chính quyền đô hộ trên đất nước ta. Tuy nhiên, thắng lợi đó nhanh chóng bị dập tắt bởi thù trong, giặc ngoài, sự thiếu quyết đoán trong việc khẳng định quyền tự chủ của dân tộc, cũng như thiếu vắng bộ máy quản lý từ trung ương đến địa phương. Phải đến năm 938, khi Ngô Quyền lãnh đạo toàn thể nhân dân đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng và lên ngôi Vương, đất nước ta mới thoát ách đô hộ của phong kiến phương Bắc.
Ngô Quyền là người làng Cam Lâm (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội), sinh trưởng trong một dòng họ làm hào trưởng có thế lực. Ngô Quyền đã sớm tham gia các cuộc khởi nghĩa với vai trò là vị thuộc tướng dưới thời Dương Đình Nghệ. Sau khi Dương Đình Nghệ bị ám hại bởi Kiều Công Tiễn, nước ta rơi vào tình trạng rối loạn, là cơ sở để nhà Nam Hán nuôi âm mưu xâm lược. Trước tình thế thù trong, giặc ngoài, Ngô Quyền đã tập hợp lực lượng từ Ái Châu tiến ra Giao Châu diệt trừ nội phản, rồi tiếp tục hành quân tới cửa biển Bạch Đằng, đánh đuổi ngoại bang.
Sách Đại Việt sử lược ghi: "Quân Nam Hán lợi dụng sự rối loạn trong nước Đại Việt, đã cử một đội chiến thuyền lớn do Hoằng Tháo dẫn đầu. Vua Nam Hán đích thân cầm một đạo quân khác đóng tại Hải Môn trấn làm hậu thuẫn. Ngô Quyền đã bày thế trận trên cơ sở lợi dụng địa hình tự nhiên ở vùng cửa sông Bạch Đằng, kết hợp với bãi cọc nhân tạo để dồn quân giặc vào tình thế bị động, từ đó tiêu diệt giặc và chặn đứng đường rút chạy của chúng…”.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Khi nước thủy triều lên, Ngô Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua chạy để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, Ngô Quyền bèn tiến quân ra đánh, ai nấy liều chết chiến đấu. Quân Hoằng Tháo không kịp sửa thuyền mà nước triều rút xuống rất gấp, thuyền mắc phải cọc lật úp, tan vỡ, quân lính chết đuối quá nửa. Ngô Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt, giết Hoằng Tháo tại trận".
Đánh giá về ý nghĩa chiến thắng Bạch Đằng trong lịch sử đánh giặc giữ nước và sự nghiệp dựng xây đất nước, mở đầu kỷ nguyên độc lập tự chủ của dân tộc, Ngô Thì Sĩ trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho rằng: "Vua Ngô Quyền giết giặc nội phản để trả thù cho chúa, đuổi quân ngoại xâm để cứu nạn cho nước, xây dựng quốc gia, đem lại chính thống, công nghiệp thực là vĩ đại". Sử gia Lê Văn Hưu cũng nhận xét: "Tiền Ngô vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng Vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy".
Nhà nước quân chủ đầu tiên ở Việt Nam
Ngay sau khi đánh thắng quân Nam Hán, Ngô Quyền đã chọn Cổ Loa làm kinh đô của đất nước. Cổ Loa, nay thuộc Đông Anh (Hà Nội), vốn là kinh đô của nước Âu Lạc thời vua Thục. Đóng đô ở Cổ Loa, Ngô Quyền không chỉ tận dụng những thành quả của quá khứ và giảm thiểu thời gian, công sức đầu tư xây dựng một kinh thành mới, mà còn thể hiện một tinh thần cảnh giác cao độ. Đại La là trung tâm cai trị của triều đình, là nơi có nhiều thương nhân Trung Hoa sinh sống. Do đó, nếu chọn Đại La giống họ Khúc và họ Dương thì khó tránh gặp phải nội ứng của chính quyền phương Bắc.
Hơn nữa, điều quan trọng là Ngô Quyền muốn khẳng định việc trở về với cội nguồn của dân tộc, tỏ rõ ý nguyện tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời Văn Lang - Âu Lạc, chính thức cắt hẳn sự ảnh hưởng của triều đình phương Bắc.
Năm 905, Khúc Thừa Dụ đã lật đổ được chính quyền đô hộ nhà Đường, tự xưng là Tiết độ sứ, bắt đầu có ý thức xây dựng cơ sở cho một nước độc lập. Song, Khúc Thừa Dụ cũng như Dương Đình Nghệ sau đó đều chỉ xưng là Tiết độ sứ hay Tĩnh hải quân Tiết độ sứ - một chức quan nắm quyền quản lý ở một châu do chính quyền đô hộ áp đặt, tức là chưa thoát khỏi sự ràng buộc của chính quyền phương Bắc.
Chỉ đến mùa xuân năm 939, sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương (tức là vua của một nước), tự khẳng định nước ta là một vương quốc độc lập. Bắt đầu từ đây, bộ máy nhà nước quân chủ độc lập đầu tiên chính thức được hình thành. Triều đình dưới thời Ngô Quyền có bộ máy gồm đầy đủ quan chức văn, võ; có quy định nghi lễ, phẩm phục…
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Mùa xuân, vua bắt đầu xưng Vương, lập Dương Thị làm Hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục". Sách Việt sử tiêu án cũng chép: "Vương giết Công Tiễn, phá Hoằng Tháo, tự lập làm vua, tôn Dương Thị làm Hoàng hậu, đặt đủ 100 quan, dựng ra nghi lễ triều đình, định các sắc áo mặc, đóng đô ở Cổ Loa thành, làm vua được 6 năm rồi mất".
Về cương vực đất nước, với nhà nước còn non trẻ, Ngô Quyền chỉ thực sự tập trung thế lực ở vùng trung du Bắc Bộ, vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và đồng bằng sông Mã, sông Lam, chủ yếu ở các quận Giao Chỉ, Cửu Chân. Để quản lý vùng đất này, Ngô Quyền đã thiết lập bộ máy chính quyền ở các địa phương do các tướng lĩnh thân cận giữ. Chẳng hạn, vùng Đông Bắc do Ngô Xương Ngập cai quản; Hải Dương do Phạm Công Lệnh trấn trị; Đinh Công Trứ ở châu Hoan - Nghệ An…
Việc Ngô Quyền xưng Vương, chế định triều nghi, phẩm phục, đặt các chức quan cai trị từ trung ương đến địa phương đã khẳng định nền độc lập chủ quyền của dân tộc, đặt cơ sở cho các nhà nước quân chủ sau này. Mặt khác, thông qua việc chọn Cổ Loa là đất đóng đô, Ngô Quyền đã viết tiếp trang sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhà nước do Ngô Quyền sáng lập được xem như một nhà nước quân chủ mở đầu của kỷ nguyên văn minh Đại Việt.