Bám sát cơ sở, chấn chỉnh sai phạm tại bếp ăn các trường học
Giáo dục - Ngày đăng : 08:20, 19/04/2019
Với mục tiêu hạn chế những nguy cơ mất an toàn thực phẩm, giữ vững niềm tin của phụ huynh, bảo đảm sức khỏe cho học sinh, trong những ngày này, các đoàn kiểm tra đã trực tiếp có mặt tại nhiều trường học, “điểm mặt, chỉ tên” từng sai phạm để kịp thời chấn chỉnh.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến kiểm tra kho chứa sữa học đường tại trường học của huyện Phúc Thọ. |
Tăng cường phối hợp
Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, trực tiếp có mặt tại trường học để kiểm tra từng khâu trong quy trình tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh là việc được Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội triển khai thường xuyên. Vào những đợt cao điểm, phần việc này càng được chú trọng với mục tiêu không chỉ kịp thời phát hiện các sai phạm ở cơ sở, mà còn góp phần chấn chỉnh, đưa việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm vào nền nếp, hạn chế tối đa các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường học.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phối hợp trong kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm trong trường học, nhiều phòng giáo dục và đào tạo như Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân... đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để tăng cường kiểm tra trực tiếp tại các trường học, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những mặt chưa được trong công tác tổ chức cho học sinh ăn bán trú, nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh.
Là một trong những đơn vị duy trì tốt việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú từ 5 năm nay và chưa để xảy ra sự việc đáng tiếc nào, Trường Tiểu học An Dương (quận Tây Hồ) hiện có tỷ lệ học sinh ăn bán trú hằng ngày chiếm 70% trong tổng số gần 1.100 học sinh. Khác với nhiều đơn vị khác là mua suất ăn và vận chuyển đến trường vào giờ trưa, cách làm của nhà trường là phối hợp với đơn vị cung ứng thực phẩm để nấu tại trường, nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận chuyển… Cô giáo Phạm Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Dương cho biết, nhà trường có bộ phận giám sát quy trình tổ chức bữa ăn cho học sinh, gồm có Ban Giám hiệu, công đoàn, thanh tra nhân dân, nhân viên y tế, giáo viên và phụ huynh. Việc giám sát được thực hiện hằng ngày, bắt đầu từ khâu giao - nhận thực phẩm, đến chế biến, chia suất ăn và chuyển về các lớp cho học sinh.
Tại Trường Tiểu học Nam Hồng (huyện Đông Anh), ngoài các thành viên của trường, tất cả các ngày trong tuần phụ huynh đều tham gia giám sát quy trình tổ chức bữa ăn bán trú, từ giao - nhận thực phẩm, chế biến, chia suất, kiểm thực đến lưu mẫu. Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo nhân rộng cách thức này tới tất cả các trường học trên địa bàn huyện.
Giảm nguy cơ mất an toàn
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, số trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú là 1.600 trong tổng số hơn 2.700 trường học, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học luôn được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội coi là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng không kém so với nhiệm vụ giáo dục. Sự việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm khiến hơn 200 trẻ có dấu hiệu ngộ độc tại Trường Mầm non Xuân Nộn (huyện Đông Anh) vào cuối năm 2018 cho thấy, đây là phần việc không thể chủ quan, lơ là. Mới đây là việc phụ huynh phát hiện 35kg thịt gà kém chất lượng tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai). Dù sự việc đã kịp thời được phát hiện và ngăn chặn, song tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại trường học lại gióng lên, khiến các bậc phụ huynh lo lắng.
Qua kiểm tra cho thấy, vẫn còn có nơi, có chỗ, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học chưa chặt chẽ, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn lỏng lẻo... Bởi vậy, chủ trương bám sát cơ sở, trực tiếp “điểm mặt, chỉ tên” để chấn chỉnh từng sai phạm, giảm nguy cơ mất an toàn cho học sinh là điều được quán triệt tới mọi thành viên của Đoàn kiểm tra liên ngành.
Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kịp thời phát hiện một số sai phạm ở cơ sở và yêu cầu khắc phục ngay. Chẳng hạn như tại Trường Tiểu học Uy Nỗ (huyện Đông Anh), Đoàn kiểm tra đã yêu cầu đơn vị bổ sung một số thiết bị ngăn ngừa côn trùng, tăng cường công tác vệ sinh đối với các dụng cụ đựng thực phẩm, niêm phong mẫu thức ăn hằng ngày theo đúng quy định. Tại Trường Mầm non Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ), một số hạn chế đã được chỉ ra như dụng cụ đựng thực phẩm chưa đạt yêu cầu vệ sinh, kho chứa sữa học đường chưa đúng quy chuẩn, bảo quản sữa học đường chung với nhiều loại thực phẩm…
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 2 thành phố Hà Nội về an toàn thực phẩm tại các trường học nhận định: Quá trình kiểm tra trực tiếp tại nhiều trường học trong những ngày đầu tháng 4-2019 cho thấy, về cơ bản, các nhà trường đều tuân thủ nghiêm túc quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Một trong những mục tiêu, cũng là giải pháp được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các nhà trường tuân thủ trong nhiều năm qua là kiên quyết nói “không” với thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm kém chất lượng. Nếu phát hiện trường hợp sai phạm, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiêm khắc xử lý.
Nhằm hạn chế nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tại trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các nhà trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu trong quy trình tổ chức cho học sinh ăn bán trú như chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm... Các nhà trường cần tuân thủ quy trình giao - nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn hằng ngày; huy động sự tham gia của phụ huynh trong việc giám sát công tác an toàn thực phẩm. |