Quan hệ Mỹ - Cuba giãn thêm khoảng cách
Thế giới - Ngày đăng : 06:55, 19/04/2019
Thu hút đầu tư nước ngoài tại Cuba sẽ bị ảnh hưởng sau động thái của Mỹ. |
Luật Helms-Burton là biện pháp đơn phương nhằm tăng cường bao vây, cấm vận Cuba vốn được Mỹ áp dụng từ năm 1996. Điều 3 của luật này tạo cơ sở pháp lý cho các công dân Mỹ gốc Cuba cũng như các doanh nghiệp Mỹ khởi kiện các công ty nước ngoài đang có hoạt động làm ăn trên phần tài sản bị quốc hữu hóa sau cuộc cách mạng chống chế độ độc tài Batista của đảo quốc anh hùng. Trong vòng hơn 20 năm, điều khoản này liên tục bị hoãn thực thi theo thời hạn 6 tháng/lần qua các đời tổng thống Mỹ do vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế và những lo ngại về nguy cơ gây ra một làn sóng kiện cáo gây hỗn loạn tại các tòa án của nước này.
Khác với các chính quyền tiền nhiệm, trong vài tuần gần đây, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ thực thi điều khoản trên của Luật Helms-Burton nhằm trừng phạt Cuba về việc ủng hộ chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro - nhà lãnh đạo do dân bầu song lại bị Washington coi là chính phủ vi hiến. Phát biểu trước báo giới vào ngày 17-4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo điều 3 của luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 2-5. Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính, sẽ có khoảng 200.000 đơn kiện với giá trị hàng chục tỷ USD được đệ trình khi điều khoản được kích hoạt.
Những bước đi mới của Mỹ ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội của Cuba. Chỉ ít giờ sau tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, đăng tải trên trang Twitter cá nhân, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng Nhà nước Cuba Miguel Diaz-Canel lên án mạnh mẽ các biện pháp gây sức ép mới của Mỹ, đồng thời khẳng định La Habana kiên định lập trường của mình. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Cuba nhắc lại rằng cùng thời điểm Luật Helms-Burton chính thức có hiệu lực vào năm 1996, La Habana đã ban hành Luật 80 về tái khẳng định phẩm giá và chủ quyền quốc gia, trong đó tuyên bố văn bản luật này là bất hợp pháp, không thể thi hành và không có bất kỳ giá trị pháp lý hoặc hiệu lực nào.
Quyết định của Mỹ cũng vấp phải sự phản đối của đồng minh truyền thống là Liên minh châu Âu (EU). Theo một thỏa thuận từng được xứ Cờ hoa ký kết vào năm 1998 nhằm dung hòa sự khác biệt trong chính sách giữa các bên về vấn đề Cuba, Washington cam kết sẽ dành quyền miễn trừ nhất quán cho các công ty và công dân EU, liên quan tới tất cả các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc đảo Caribe. Đổi lại, Brussels sẽ không đưa vụ việc ra trước Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, tuyên bố của Ngoại trưởng M.Pompeo lại nêu rõ sẽ không có chính sách miễn trừ cho Lục địa già. Hai quan chức EU là Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini và Ủy viên Thương mại Cecilia Malmstrom kêu gọi Mỹ tuân thủ thỏa thuận năm 1998 nếu không muốn EU sử dụng các đòn đáp trả pháp lý hay hợp tác với các đối tác quốc tế khác để bảo vệ lợi ích của mình.
Sau khi điều khoản này có hiệu lực, hàng loạt công ty của Mỹ, Canada và châu Âu sẽ vướng vào kiện tụng và có nguy cơ phải từ bỏ các dự án đầu tư tại Cuba nếu không muốn theo đuổi các cuộc chiến pháp lý tốn kém và dai dẳng. Hậu quả là các nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ nhằm phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước tại Cuba cũng không tránh khỏi những tác động không mong muốn. Như thế cũng có nghĩa rằng khoảng cách giữa hai quốc gia láng giềng từng đã được kéo gần lại tiếp tục bị nới rộng.