Xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không: Hài hòa các lợi ích

Giao thông - Ngày đăng : 07:41, 19/04/2019

(HNM) - Hạ tầng hàng không đang là lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia, song không dễ bởi còn vướng về cơ chế, chính sách.


Nhiều nhà đầu tư tư nhân muốn tham gia


Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) là sân bay đầu tiên do tư nhân đầu tư (Tập đoàn Sun Group), có thể đón được các loại máy bay hiện đại nhất hiện nay. Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau chuyến bay thương mại đầu tiên của Vietnam Airlines từ thành phố Hồ Chí Minh đến Vân Đồn ngày 30-12-2018, các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airlines đều đã đưa các chuyến bay về đây. Mới chỉ sau hơn một quý đi vào hoạt động, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã có lượng khách rất khả quan.

Việc xã hội hóa đầu tư hạ tầng cảng hàng không thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Ảnh: Tân Sơn


Ngoài Sun Group, đã có không ít nhà đầu tư khẳng định muốn tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng hàng không. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) hai lần đề nghị được cùng với ACV đầu tư nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Trước đó, IPP đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép được tham gia đầu tư dự án xây dựng thêm một đường cất hạ cánh và Nhà ga hành khách quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; cùng xin tham gia đầu tư nhà ga hành khách mới công suất 8 triệu lượt hành khách/năm tại Cảng hàng không Tuy Hòa (Phú Yên). Hay như Hãng hàng không Vietjet Air đề xuất đầu tư nâng cấp sân bay Điện Biên; Tập đoàn FLC cũng mong muốn được đầu tư vào Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất...

Dù Nhà nước có chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không; các nhà đầu tư rất có tiềm lực song không phải cứ muốn là được làm bởi vướng về cơ chế, chính sách. Theo ông Vũ Phạm Nguyên Tùng, Giám đốc Dự án Công ty cổ phần Hàng không Vietjet Air, Điện Biên là sân bay rất quan trọng, nhưng hiện các máy bay lớn không đến được do đường băng nhỏ. Nếu có đường băng đủ lớn sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một vùng Tây Bắc rộng lớn. Vietjet đề xuất được đầu tư sân bay này, nhưng vướng từ cơ chế sử dụng vốn để làm quy hoạch đến những yêu cầu khác - vì theo quy định hiện hành, vốn quy hoạch phải là vốn nhà nước. Bên cạnh đó là phải đầu tư công nghệ góp phần nâng cao năng lực của cảng hàng không. Tuy nhiên, việc này một mình Vietjet không làm được, mà phải đồng bộ từ chính quyền địa phương, chính phủ...

Cần được quản lý chặt chẽ

Khẳng định ủng hộ chủ trương xã hội hóa, song ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV nhấn mạnh, xã hội hóa đầu tư phải như mô hình Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Ở dự án này, tư nhân đầu tư đồng bộ từ khu bay đến nhà ga, sân đỗ và các hạng mục công trình phụ trợ khác. ACV đang quản lý, khai thác 22 cảng hàng không. Không phải cảng hàng không nào cũng mang lại nguồn lợi trực tiếp. Nhà nước phải duy trì toàn bộ các cảng, trong đó có những cảng hàng không địa phương chỉ mang lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương chứ không mang lại lợi ích cho chính cảng hàng không đó. Sun Group đầu tư vào Vân Đồn cũng còn cân đối từ hiệu quả chung chứ không đơn thuần trông chờ vào tiền thu từ dịch vụ hàng không.

Do đó, việc xé lẻ xã hội hóa các công trình mang tính thương mại có hiệu quả kinh tế trong cảng hàng không và để doanh nghiệp nhà nước đầu tư quản lý khu bay là không công bằng, về lâu dài sẽ dẫn đến sự suy yếu của ACV, ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước. Bên cạnh đó sẽ ảnh hưởng đến sự duy trì phát triển ổn định của cả cảng hàng không bao gồm tất cả các thành tố khu bay và các hạng mục thương mại khác.

Theo ông Lại Xuân Thanh, cảng hàng không, sân bay thuộc hạ tầng giao thông quốc gia, thực hiện theo nguyên tắc giao thông đi trước một bước. Do là kết cấu hạ tầng giao thông nên phải được quản lý chặt chẽ bằng kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển của Nhà nước. Xã hội hóa phải bảo đảm hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư và của xã hội. Nhà nước nên xã hội hóa kêu gọi đầu tư toàn bộ cảng, không nên chỉ kêu gọi một hạng mục riêng biệt.

Đề cập tới lý do tại sao các nhà đầu tư tư nhân còn đang khó tham gia vào các dự án hạ tầng hàng không, ông Đỗ Đức Tú (Vụ Kết cấu hạ tầng - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trong các quy định của Nhà nước đều khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hàng không nói riêng. Thực tế cho thấy, nếu không có sự đầu tư của Sun Group, không biết bao giờ Quảng Ninh mới có một cảng hàng không tầm cỡ như hiện nay. Tuy nhiên, việc Vietjet, FLC và một số nhà đầu tư khác có mong muốn đầu tư vào hạ tầng hàng không nhưng chưa được chấp thuận là do vướng về cơ chế. Hiện, hạ tầng khu bay là tài sản của Nhà nước, tạm thời bàn giao cho ACV quản lý và phải bỏ tiền ra để duy tu, bảo dưỡng rất lớn. Do đó phải tạo điều kiện cho ACV có nguồn thu để đầu tư, nâng cấp khu bay. Nhà nước rất mong các nhà đầu tư nghiên cứu cơ hội đầu tư và có đề xuất kết cấu hạ tầng hàng không trong tương lai.

Lương Ninh Giang