Doanh nghiệp vận tải “gồng mình” khi giá xăng dầu tăng

Kinh tế - Ngày đăng : 09:04, 19/04/2019

(HNMO) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội về việc xăng dầu liên tục tăng giá thời gian qua.


Theo ông Nguyễn Công Hùng, nhiên liệu chiếm từ 30-35% các yếu tố cấu thành giá cước vận tải. Nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đã ổn định giá cước từ tháng 6-2016 đến nay. Để điều chỉnh được giá cước, các hãng taxi truyền thống phải đối mặt với nhiều rào cản.

Cụ thể, phải báo cáo với Sở Giao thông - Vận tải sau 3 ngày mới có ý kiến chấp thuận. Khi đó sẽ phải dừng hoạt động hàng vạn xe và mỗi xe sẽ phải mất từ 40-60 phút để thực hiện việc tháo niêm phong, kẹp chì đồng hồ để điều chỉnh và phải mời cơ quan đăng kiểm đến kiểm định lại đồng hồ tính cước.

Cùng với đó phải bóc toàn bộ đề can bảng giá niêm yết trên thành xe để thay thế bảng giá khác. Chi phí mỗi bộ đề can khoảng 35.000 đồng - 50.000 đồng tùy theo chất liệu. Thủ tục rất phức tạp, chi phí tốn kém, trong khi giá xăng dầu liên tục biến động, có thể biến động bất thường sau mỗi chu kỳ 15 ngày, nên các doanh nghiệp đang phải “gồng mình” tiết giảm các chi phí để bảo đảm giữ ổn định giá cước, giữ được sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Anh Quân - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý G7 taxi (Taxi G7) cho biết, trong giai đoạn vừa qua, xăng dầu tăng giá liên tục nhưng giá cước taxi thì đã ổn định từ 3-4 năm nay. Ngay từ khi ra đời (tháng 11-2018) trên cơ sở hợp nhất một số hãng taxi trên địa bàn Thủ đô, Taxi G7 đã áp dụng mức giá thấp hơn so với mặt bằng chung nhằm tăng sức cạnh tranh.

Sau lần tăng giá nhiên liệu này, Taxi G7 đang xem xét phương án điều chỉnh tăng giá cước nhưng mức tăng không đáng kể, chỉ điều chỉnh tương đương với mặt bằng chung hiện tại. Doanh nghiệp và người lái xe đang phải chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trước việc nhiên liệu tăng giá nhằm bảo đảm ổn định thị trường.

Còn theo ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, không phải mỗi khi giá xăng dầu tăng thì cước vận tải có thể tăng theo ngay, bởi còn phải xét theo các hợp đồng. Nhiều hợp đồng đã ký cả năm, nên có hợp đồng điều chỉnh được, có hợp đồng phải giữ giá cố định. Thời điểm này hàng hóa ít, cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải hàng hóa lại lớn, nên nếu doanh nghiệp điều chỉnh cước vận tải có thể mất khách.

Tuấn Lương