Chủ động phòng ngừa, xử lý nghiêm vi phạm

Xã hội - Ngày đăng : 08:36, 20/04/2019

(HNM) - 2019 là năm thứ 4 Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chọn chủ đề “Chủ động phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em” trong tháng hành động (tháng 3) của Hội.

Tư vấn, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo hành cho trẻ em là việc cần làm thường xuyên.


Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội): Cần xử lý hình sự

Quy định của pháp luật Việt Nam không có hành vi lạm dụng tình dục hay quấy rối tình dục trẻ em mà chỉ có hành vi xâm hại tình dục, trong đó có hành vi dâm ô với trẻ em và người chưa thành niên. Do vậy, ở bất kỳ hành vi nào nằm trong quy định về xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, hành vi dâm ô đều phải xử lý hình sự.

Được biết, thời gian qua, Bộ Công an đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ điều tra các cấp, đặc biệt là xử lý, can thiệp các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Các hoạt động này góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ điều tra, cũng như công tác tư pháp liên quan đến trẻ em. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, những người tham gia quá trình tư pháp, quá trình tố tụng liên quan đến đối tượng là trẻ em (dù trẻ em là đối tượng vi phạm pháp luật, trẻ em phạm tội hay trẻ em là nhân chứng, nạn nhân) cần được đào tạo về tâm lý, giáo dục, tâm lý lứa tuổi, có kiến thức, pháp luật liên quan tới trẻ em và quyền trẻ em.

Tiến sĩ Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo): Cha mẹ nên thiết lập mối quan hệ tốt với con

Thông qua việc dạy lồng ghép giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vào các môn học, giáo dục công dân, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp… Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Qua đó đã tạo hành lang pháp lý triển khai tích hợp các nội dung kỹ năng sống, phòng tránh xâm hại cho trẻ em.

Tuy nhiên, để bảo vệ trẻ em không chỉ cần có chương trình dạy tốt, trang bị kiến thức tự vệ cho trẻ em là đủ mà từ thực tế cho thấy có rất nhiều vụ việc xâm hại trẻ em từ chính người thân. Vì vậy, sự quan tâm của gia đình là hết sức cần thiết bởi cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái không trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục. Cha mẹ nên thiết lập mối quan hệ tốt với con cái để con có thể trò chuyện về những vấn đề mà chúng gặp phải trong đời sống. Đặc biệt, cha mẹ nên chú ý những thay đổi trong hành vi của trẻ và nhẹ nhàng hỏi han để con chia sẻ và chặn đứng hành vi xâm hại nếu không may đã xảy ra.

Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên tuyên truyền phòng, chống quấy rối tình dục.


Luật gia Đinh Nguyên, Công ty Luật quốc tế Hồng Thái (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì): Khắc phục những “lỗ hổng” pháp lý

Hệ thống pháp luật bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em ngày càng được hoàn thiện, như Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự… đều đã ghi nhận và bảo vệ các quyền của phụ nữ, trẻ em.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cho thấy pháp luật về vấn đề này vẫn còn một số hạn chế, bất cập nhất định. Điển hình là chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện dẫn đến các chính sách, quy định chưa đi vào cuộc sống. Đáng chú ý, các chế tài xử phạt vi phạm vẫn chưa đủ sức răn đe. Ví dụ, tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình hoặc hành vi ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác thì mức phạt tiền chỉ từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Mức phạt này là quá thấp, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Ngay cả với những hình phạt cao hơn thì đối với những người có điều kiện kinh tế cũng không có ý nghĩa giáo dục họ.

Do đó, cần có quy trình tố tụng đặc biệt để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực này; các cán bộ thực thi pháp luật cần có nhạy cảm giới, thân thiện cũng như kiến thức, kỹ năng làm việc với những nhóm dễ tổn thương; cán bộ tham gia quá trình tố tụng ở tất cả các cấp đều phải có đầy đủ năng lực, vốn kiến thức để xử lý vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Chị Nguyễn Kim Chi, phụ huynh học sinh ở phường Ngọc Thụy (quận Long Biên): Trang bị tốt kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em

Gần đây, dư luận rất bức xúc trước hành vi xâm hại trẻ em tại nơi công cộng, nhiều người hoang mang, lo lắng trước nhiều thủ đoạn tinh vi để bắt cóc, buôn bán phụ nữ, trẻ em ngày càng táo tợn, ngang nhiên như cho uống, ngửi thuốc mê, giả làm người tốt giúp tìm việc để đưa phụ nữ, trẻ em bán qua biên giới hoặc bán cho các “tú ông”, “tú bà”...

Vì vậy, theo tôi, bên cạnh việc xử lý thật nghiêm minh đối tượng vi phạm, cần đặc biệt chú trọng yếu tố phòng ngừa hành vi. Cụ thể là trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em trong các hoàn cảnh và trường hợp khác nhau; đây chính là giải pháp từ “gốc”, ngăn ngừa hiệu quả vấn nạn này.

Hoài Thanh - Linh Nhi