Cận cảnh ''Trăng hồng'' trên khắp thế giới
Chuyện đó đây - Ngày đăng : 14:04, 20/04/2019
Năm nay, hiện tượng "Trăng hồng" đến vào ngày 19-4. Dù có tên là "Trăng hồng", nhưng Mặt trăng không thực sự chuyển sang màu hồng. Cái tên này xuất phát từ Bắc Mỹ, do thời gian trăng tròn trùng với mùa một loài hoa màu hồng có tên "Phlox". Trong ảnh, Mặt trăng quan sát tại Portsmouth, Anh. Ảnh: Daily Mail.
Đầu tháng 4 hằng năm là thời điểm loài hoa Phlox đồng loạt nở rộ tại Mỹ và Canada. Tại những nơi là địa bàn sinh trưởng phù hợp, loài hoa này mọc dày đặc, khi nở tạo ra một tấm thảm màu hồng trên mặt đất. Vì thế, trăng tròn vào ngày này được đặt cái tên là "Trăng hồng". Trong ảnh, Mặt trăng quan sát tại Cheshire, Anh. Ảnh: Daily Mail.
Mặc dù không thực sự chuyển sang màu hồng, tại nhiều địa điểm trên thế giới, Mặt trăng chuyển sang màu đỏ nhạt. Có hiện tượng đổi màu này là do sự di chuyển của Mặt trăng xung quanh Trái đất và ánh sáng vàng trắng nó phản chiếu lại từ Mặt trời. Trong ảnh, Mặt trăng quan sát tại Kuwait. Ảnh: AFP.
Trong một số nền văn hóa, ngày Trăng hồng còn có những tên gọi khác như "Trăng trứng", "Trăng cá", hay "Trăng cỏ mọc". Trong ảnh, Mặt trăng quan sát tại Hà Lan. Ảnh: Daily Mail.
Đối với thổ dân Bắc Mỹ, trăng tròn mỗi tháng đều được đặt một tên riêng, ví dụ trăng tháng 1 là "Trăng sói", trăng tháng 2 là "Trăng tuyết", hay trăng tháng 6 là "Trăng dâu tây". Ảnh: PA.
Ngày trăng tròn tiếp theo sẽ diễn ra vào 18-5. Tại Bắc Mỹ, ngày này được đặt tên là "Trăng hoa" (Moon flower). Trong ảnh, Mặt trăng quan sát được tại Ai Cập. Ảnh: AP.
Tại phương Tây, "Trăng hồng" là ngày có ý nghĩa tương đối quan trọng, bởi nó được sử dụng để làm cột mốc thời gian tính ngày cho lễ Phục sinh. Theo đó, lễ Phục sinh sẽ diễn ra vào chủ nhật sau ngày trăng tròn đầu tiên sau kỳ xuân phân. Trong ảnh, Mặt trăng quan sát được tại Nepal. Ảnh: LeStudio.