Ba lợi thế, một yêu cầu!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:29, 21/04/2019

(HNM) - 40% đến 50% là con số phản ánh tỷ lệ người dân đến khám tăng so với trước tại 4 trạm y tế của Hà Nội sau thời gian triển khai mô hình trạm y tế điểm của Bộ Y tế từ năm 2017. Cũng như vậy tại nhiều trạm y tế thuộc 7 tỉnh, thành phố khác cùng thực hiện đề án này cũng có những chuyển biến trông thấy góp phần thay đổi hình ảnh của hệ thống y tế được xem là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.


Sở dĩ có được điều đó, cũng như việc phải “hồi sức” cho các trạm y tế, là bởi yêu cầu giải quyết những nghịch lý giữa vai trò và thực tế tại hệ thống y tế cơ sở.

Ngoài vai trò nền tảng như Nghị quyết 20-NQ/TƯ Hội nghị Trung ương 6, khóa XII (ngày 25-10-2017) đã chỉ rõ, y tế cơ sở có 3 lợi thế rất rõ ràng. Đó là: Gần dân; phát hiện bệnh sớm, xử lý nhanh; giải quyết tốt những bệnh đơn giản. Thậm chí, y tế cơ sở đã tỏ rõ vai trò tuyến đầu góp phần khống chế thành công nhiều dịch bệnh.

Thế nhưng, hằng ngày, khi các cơ sở y tế chuyên sâu đón trung bình vài nghìn bệnh nhân đến khám, chữa bệnh thì y tế tuyến đầu nhiều nơi đìu hiu, chỉ vài bệnh nhân ghé qua. Đáng nói, có đến 80-90% người bệnh nhẹ, nôm na là “hắt hơi, sổ mũi” hoàn toàn có thể được khám, điều trị tại các trạm y tế, cũng kéo cả lên bệnh viện tuyến trung ương cho... yên tâm, là một nguyên nhân gây quá tải cho tuyến trên.

Như vậy, các trạm y tế mất đi vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát hiện sớm, kiểm soát bệnh tật, giảm tải bệnh nhân lên tuyến trên... Lý do thì có nhiều, song rõ nhất là trạm y tế chưa đáp ứng được một yêu cầu quan trọng: Chất lượng khám chữa bệnh. Tình trạng thiếu thiết bị y tế cần thiết, chẩn đoán chưa chính xác, kê đơn chưa sát... là có thật. Nhìn chung, mạng lưới y tế cơ sở chưa đáp ứng được thay đổi của cơ cấu bệnh tật, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, tốc độ phát triển của y tế nói chung.

Việc triển khai đề án phát triển hệ thống y tế cơ sở, thực hiện mô hình điểm trạm y tế xã, phường cũng không nằm ngoài mục tiêu: Tác động tới chính ngành Y tế về vai trò y tế cơ sở; thay đổi nhận thức của người dân theo hướng tin tưởng, lựa chọn đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế; tác động tới xã hội trong việc ghi nhận, đầu tư thỏa đáng cho y tế cơ sở.

Với những kết quả bước đầu như mô hình điểm tại Hà Nội và một số địa phương, nếu tiếp tục đi đúng hướng, việc hiện thực hóa mục tiêu 10 năm tới hình thành được mạng lưới y tế cơ sở chất lượng bao phủ toàn quốc là hoàn toàn khả thi.

Trước mắt, các trạm y tế tiếp tục trông mong vào sự đầu tư đồng bộ cả về nguồn lực con người và cơ sở vật chất, thiết bị của ngành Y tế. Cụ thể như bổ sung danh mục thuốc, bổ sung bác sĩ, xây dựng chính sách đãi ngộ thỏa đáng, cung cấp trang thiết bị phù hợp, chuyển giao kỹ thuật… Việc ngành Y tế Thủ đô cử bác sĩ tuyến thành phố về luân phiên hỗ trợ cho bác sĩ tại trạm y tế, hay việc tăng cường tập huấn, đào tạo cho nhân lực y tế cơ sở… là một ví dụ cụ thể.

Bản thân các trạm y tế và lực lượng bác sĩ, nhân viên y tế tại cơ sở cũng cần xem đây là cơ hội để khẳng định vai trò tuyến đầu, phát huy ba lợi thế và cải thiện yếu tố quyết định là chất lượng phục vụ. Đơn giản nhất như thái độ của nhân viên trạm y tế phải ân cần, niềm nở, tạo niềm tin với người bệnh. Sau nữa là những nỗ lực đổi mới tự thân, học hỏi cách làm hay của mỗi trạm y tế nhằm thu hút mọi nguồn lực để nâng dần chất lượng khám chữa bệnh.

Thực tế, phát huy tốt ba lợi thế, cải thiện tốt yêu cầu chất lượng, mỗi trạm y tế sẽ trở thành một đơn vị truyền thông sống động cho đề án ý nghĩa này.

Hà An