Sáng tạo để tri thức lan tỏa
Đời sống - Ngày đăng : 07:03, 21/04/2019
Ông Nguyễn Quang Thạch đã thiết kế, nhân rộng nhiều tủ sách tại các vùng nông thôn. Ảnh: TTXVN |
Bà Trần Thị Phương Lan, Trưởng phòng Đọc và Bộ phận làm thẻ, Thư viện Quốc gia Việt Nam: Đổi mới môi trường đọc
Trong kỷ nguyên số, ngoài mô hình truyền thống, các thư viện phải định hình lại dịch vụ, đổi mới môi trường đọc, không gian thư viện theo hướng tăng cường dịch vụ số, nhất là tập trung vào đa dịch vụ trong một không gian để sách đến với nhiều đối tượng độc giả hơn.
Chẳng hạn, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đang áp dụng mô hình chia sẻ thông tin kết hợp thiết bị công nghệ cao với nguồn tài nguyên tri thức của thư viện, truyền cảm hứng để tạo nên một không gian học tập, chia sẻ tri thức cho người sử dụng, đã và đang dần “đánh bật” các phương tiện giải trí khác. Đến với thư viện, độc giả không chỉ đọc sách mà còn được cung cấp máy tính, wifi, thiết bị trình chiếu… tiếp cận nguồn tri thức số; được chơi nhạc, xem phim, nghe nhạc, thực hành, thí nghiệm…
Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng đang thực hiện và khuyến khích các thư viện mở rộng hoạt động ngoài thư viện như đem sách đến các trường học, khu dân cư, các địa điểm công cộng, trại giam, bệnh viện, khách sạn… để nhiều đối tượng có cơ hội tiếp cận với sách và những thông tin hữu ích.
Ông Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam: Nhân rộng mô hình tủ sách chi phí thấp
Năm 2015, tôi đã từng đi khảo sát từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh để “tăng tốc” cho Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam và thấy rằng, người dân nông thôn rất ít đọc sách. Nguyên nhân cơ bản là sự thiếu vắng hệ thống thư viện trường học - nơi kích thích tiềm năng đọc sách trong cộng đồng. Xây dựng một tủ sách có vài trăm cuốn, với chi phí chỉ từ 8 đến 10 triệu đồng, nhưng ít ngôi làng làm được.
Chương trình Sách hóa nông thôn của chúng tôi nghiên cứu, ứng dụng và nhân rộng những mô hình có chi phí thấp, dễ làm và do mọi người tự nguyện đóng góp. Chẳng hạn, những nông dân ở huyện Thái Thụy (Thái Bình) chỉ góp từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng cho năm đầu tiên để làm Tủ sách Phụ huynh cho con tại hơn 1.100 lớp học, năm kế tiếp học sinh dùng tiền mừng tuổi để mua khoảng 150.000 bản sách bổ sung. Nhiều tủ sách dòng họ, xứ đạo, gia đình, nhà chùa cũng được xây dựng với sự chung tay của hàng chục triệu người lớn và trẻ em. Chỉ trong vòng 3 năm, Chương trình Sách hóa nông thôn đã xây dựng được hơn 20.000 tủ sách lớp học, đem lại cho hơn 1 triệu người dân nông thôn của cả nước, nhất là trẻ em có cơ hội đọc sách.
Nếu như trước đây, các em nhỏ ở khu vực thuần nông chỉ đọc 1 cuốn sách/năm, ở khu vực thị trấn là 5 cuốn sách/năm thì đến nay, tại các nơi có Chương trình Sách hóa nông thôn đi qua, việc các em đọc từ 100 cuốn đến 200 cuốn sách mỗi năm không còn hiếm. Chúng tôi còn có sáng kiến mừng tuổi sách Tết từ năm 2014 và đã trở thành nét văn hóa được nhân rộng tại nhiều địa phương trên cả nước.
Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: Liên kết nhiều đối tượng
Tỉnh Nam Định rất ủng hộ và kế thừa Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam, mà ông Nguyễn Quang Thạch đã triển khai ở Nam Định. Với sự “bắt tay” của người dân và chính quyền các cấp, trong 3 năm qua, Nam Định đã xây dựng được 9.000 tủ sách ở các địa phương, với 800.000 bản sách phục vụ người dân. Bên cạnh đó, tỉnh có sáng kiến là đưa vào cuộc nhiều người “chơi”, như nhà tài trợ, nhà cung cấp, nhà vận chuyển, người thụ hưởng, tạo nên một hành trình mới, quy mô lớn và thiết thực hơn.
Chúng tôi đã thành lập một website về tủ sách lớp học, trong đó liệt kê các trường học trong tỉnh theo các cấp. Trường nào đã được tặng sách rồi và cần những đầu sách nào sẽ được đánh dấu. Nhà hảo tâm muốn tài trợ sách, chỉ việc truy cập vào website, chọn trường là tìm được danh mục sách phù hợp, sau đó, đơn vị có uy tín như Nhà Xuất bản Kim Đồng chẳng hạn sẽ cung cấp đúng bản sách cần thiết, bưu điện sẽ vận chuyển đến tận trường học...
Bà Trương Thị Hồng Lan, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Đài Tiếng nói Việt Nam: Cầu nối sách với mọi người
Ngày nay, phương tiện thông tin đại chúng gánh trên vai trách nhiệm là cầu nối để sách đến với cộng đồng, giúp phong trào đọc sách lan tỏa. Đài Tiếng nói Việt Nam đã có nhiều chương trình để giới thiệu tác giả, tác phẩm, những tấm gương điển hình trong giới xuất bản, phát hành sách, đưa sách đến cộng đồng.
Tiêu biểu là Chương trình “Thế giới sách”, hằng tuần giới thiệu những cuốn sách hay, tác giả sách và thậm chí cả nơi tìm được cuốn sách đó. Chuyên mục “Trang sách của bạn” có các chuyên đề phù hợp với từng đối tượng thiếu nhi, người lao động, nhà khoa học, người lớn tuổi… Đài vẫn duy trì Chương trình “Đọc sách đêm khuya”, “Tiếng thơ” và thêm Chương trình “Đọc truyện dài kỳ”, đồng thời đầu tư công nghệ âm thanh, tiếng động để các trang sách được truyền tải hấp dẫn hơn, đem lại sự thích thú và khơi dậy đam mê tìm đọc sách ở mọi người.
Chúng tôi cũng phối hợp với các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, hệ thống thư viện công cộng và tư nhân để phản ánh sự đổi mới của họ trong việc phục vụ bạn đọc, từ đó khán, thính giả có thể biết những nơi có thể đọc, mượn sách. Những hoạt động này đã và đang góp phần đáng kể để kéo công chúng đến với sách, yêu sách hơn, đồng thời thấy rõ “sứ mệnh” lan tỏa tri thức của những người làm truyền thông.