Chủ động bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:52, 22/04/2019
Chị Lê Thị Mỹ Linh (ở quận Bình Thạnh) có con nhập viện vì viêm họng cho biết, thời tiết oi bức, gia đình bật quạt 24/24 giờ cùng với việc thường xuyên uống nước đá nên ảnh hưởng đến họng. Còn anh Nguyễn Trung Tính (ở quận 8) cho hay, cha anh năm nay 75 tuổi phải nhập viện hơn 3 ngày nay do sức đề kháng yếu, bệnh tim mạch tái phát... Hiện ông đang dần hồi phục và chuẩn bị xuất viện.
Ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, trong tuần vừa qua, thời tiết tại khu vực Nam Bộ diễn biến bất thường, trong đó đỉnh điểm nắng nóng nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, có nơi nhiệt độ 37-39 độ C, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt người dân. Theo dự báo thời gian tới, nắng nóng tạm thời chấm dứt, mưa dông sẽ tăng dần về diện và lượng với trên 1/3 đến 1/2 các tỉnh, thành Nam Bộ, đặc biệt là các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện mỗi ngày Khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận 5.000-6.000 bệnh nhi. Trong đó, khoảng 20-30% bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp, 10-20% mắc các bệnh về tiêu hóa, khoảng 5% mắc bệnh tay, chân, miệng và rải rác một số ca bệnh thủy đậu, viêm não.
Còn Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay, trong tuần giữa tháng 4, bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.500-7.000 bệnh nhi đến khám, trong số này có khoảng 7% phải nhập viện nội trú. Số lượng bệnh nhi khám, chữa bệnh về đường hô hấp cao nhất.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời tiết nắng, nóng, nhiều người có xu hướng ở trong phòng máy lạnh quá lâu, sử dụng nhiều quạt hoặc ăn uống các loại thức ăn, thức uống lạnh... Điều này làm khô niêm mạc, khô chất nhầy của đường hô hấp.
Ngoài ra, nhiệt độ môi trường cao dễ làm thức ăn bị ôi thiu, cùng với sự phát triển mạnh của các trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, gián dễ gây ngộ độc thực phẩm. Để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lâu, mọi người nên mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành; đặc biệt, phải lưu ý các bệnh lý về đường hô hấp.
Tương tự, bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh, Phó Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, một số biện pháp phòng tránh sốc nhiệt trong thời điểm nắng nóng như: Không hoạt động ngoài trời lâu trong thời tiết quá nóng, uống đủ nước (uống nhiều lần, không uống một lúc); mặc áo quần thông thoáng, sáng màu. Đối với trẻ em, khi phát hiện trẻ có biểu hiện sốc nhiệt cần đưa ra khỏi môi trường có nhiệt độ cao, đến nơi có bóng râm, cởi bỏ quần áo, đắp khăn mát và cho trẻ uống nước; hồi sức tim phổi nếu trẻ không tỉnh, không thở...
Nếu cơ thể xuất hiện tình trạng tăng thân nhiệt bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám và điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh khuyến cáo, phụ huynh cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ một số bệnh như thủy đậu, phế cầu, rota vi rút...
Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím, sức đề kháng của trẻ em giảm, dễ bị thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn, đặc biệt trẻ dễ bị bệnh lý về hô hấp như viêm phổi... Vì thế, mọi người cần chú ý ăn uống bảo đảm vệ sinh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhất là với trẻ nhỏ; không nên đi ngoài trời nắng gay gắt rồi vào phòng lạnh ngay vì thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ gây bệnh. Có thể tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước hoa quả, ăn nhiều rau xanh, bảo quản thức ăn đúng cách.