Gia tăng dân số và áp lực nhà ở

Đời sống - Ngày đăng : 07:54, 22/04/2019

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm 0,6% diện tích của nước ta nhưng có quy mô dân số cao gấp 7 lần bình quân cả nước. Với mức tăng dân số cơ học ở mức cao 2,15%/năm đang gây sức ép cho đô thị, nhất là giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân.


Theo kết quả tổng hợp sơ bộ của UBND thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 23-1-2019 dân số thành phố là 8.859.688 người, chưa bao gồm lực lượng công an, quân đội, có đơn vị đóng ở địa phương. Kể từ năm 2009 đến năm 2018, mỗi năm thành phố tăng thêm 170.000 dân, riêng 3 năm trở lại đây (2016-2018), tăng thêm 200.000 người.

Gia tăng dân số quá nhanh khiến người dân nhập cư, tầng lớp lao động thu nhập thấp như công nhân, sinh viên, phải lưu trú tại các nhà trọ tạm bợ... Mặt khác, tỷ lệ người dân được sở hữu nhà riêng tại thành phố ngày càng ít vì giá trị bất động sản tăng quá nhanh.

Anh Thái Đình An, kỹ sư xây dựng làm việc tại phường 9, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Sau 2 năm kết hôn, chúng tôi tích lũy được 400 triệu đồng. Tôi muốn mua chung cư trả góp, nhưng giá tăng vọt lên 1,3-1,4 tỷ đồng và vị trí cách xa trung tâm 15-20km. So với 3 năm trước, giá căn hộ này chỉ khoảng từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng”.

Cần xây dựng thêm nhiều chung cư tại thành phố Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân.


Việc tìm kiếm căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội vào thời điểm đầu năm 2019 tại thành phố Hồ Chí Minh trở nên khó khăn hơn vì nguồn cung từ doanh nghiệp khan hiếm. Theo báo cáo về thị trường bất động sản và nhà ở thành phố Hồ Chí Minh trong quý I-2019 của Công ty cổ phần DKRA Việt Nam, nguồn cung và sức tiêu thụ của phân khúc căn hộ giảm mạnh trong quý I-2019. Cụ thể, nguồn cung mới chỉ đạt 25% so với quý IV-2018, bằng 26% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, không có dự án căn hộ hạng C (giá rẻ) mới nào được mở bán.

Giá bất động sản nhà ở tăng nhanh, kéo theo giá thuê nhà tăng. Mỗi tháng, gia đình chị Lê Thị Kim Thoa (32 tuổi, ở đường Cây Keo, phường Tam Phú, quận Thủ Đức) phải tốn khoảng 7 triệu đồng để thuê nhà ở, chiếm hơn 1/4 thu nhập của gia đình.

Chị Lê Thị Kim Thoa cho biết: “Chủ nhà chỉ ký hợp đồng 1 năm/lần để mỗi năm tăng tiền thuê nhà lên 5-10%. Thu nhập của chúng tôi chỉ tăng vài trăm nghìn đồng/năm nên không dám mơ đến việc có thể sở hữu căn hộ riêng”.

Theo thống kê của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố, số nhà ở kiên cố chỉ chiếm 38%, 60% là nhà bán kiên cố, 2% là nhà chưa kiên cố hoặc nhà tạm. Để giải quyết vấn đề nhà ở cho người có thu nhập trung bình, người thu nhập thấp, sinh viên, công nhân, lao động tự do tại thành phố Hồ Chí Minh là một bài toán khó.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Dân số thành phố tăng nhưng đất đai đã có chủ sở hữu, do đó muốn tăng tỷ lệ nhà ở tại thành phố chỉ có cách tái cơ cấu nhà ở để xây dựng được nhiều nhà ở hơn. Chúng ta phải xây dựng nhà đa chức năng, quy hoạch không gian ngầm để tăng diện tích xây dựng công trình. Trong nội thành phải có nhà đa chức năng vừa làm việc vừa ở. Đồng thời, thành phố Hồ Chí Minh phải quy hoạch công trình xây dựng nội thành để phát triển các loại dịch vụ đi kèm”.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, trong đó nòng cốt là doanh nghiệp bất động sản và chính quyền cần phải cùng bàn phương hướng chỉnh trang đô thị, xây dựng thêm nhà ở, biến nhà tạm, nhà bán kiên cố trở thành nhà kiên cố. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có chủ trương chuyển đổi khoảng 1/3 diện tích đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị. Như vậy sẽ có thêm quỹ đất mới để xây dựng nhà ở cho người dân.

Đồng thời, thành phố cũng đẩy mạnh xây dựng các công trình giao thông, liên kết với các tỉnh lân cận để thực hiện chiến lược giãn dân, giảm áp lực đô thị. Hiện nay, nhiều chung cư đã được xây dựng tại các tỉnh tiếp giáp với thành phố như Bình Dương, Đồng Nai, Long An để người dân thành phố Hồ Chí Minh có cơ hội lựa chọn.

Tuệ Diễm