Hành trình gian nan!
Kinh tế - Ngày đăng : 06:26, 22/04/2019
Chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cung cấp lượng lớn nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Nhu cầu cấp thiết
Chợ đầu mối Minh Khai (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) cung cấp lượng lớn nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chợ có diện tích hơn 36.000m2 với khoảng 1.000 hộ kinh doanh, trung bình mỗi ngày có khoảng 350 tấn hàng hóa luân chuyển qua chợ.
Ông Lê Trung Kiên - Phó Phụ trách Thanh tra chuyên ngành Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay: "Qua các đợt thanh tra, kiểm tra, nhiều sản phẩm động vật, nhất là sản phẩm đã qua chế biến ở chợ đầu mối Minh Khai không có tem nhãn, nhiều hộ kinh doanh không cung cấp được hóa đơn, hợp đồng... để chứng minh nguồn gốc sản phẩm".
Tương tự, tại chợ đầu mối phía Nam ở quận Hoàng Mai, qua kiểm tra, cơ quan chức năng cũng phát hiện, phần lớn các hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm sử dụng dụng cụ sơ chế chưa bảo đảm, người kinh doanh chưa trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, khu vực kinh doanh rau, củ, quả bày bán để trên bạt hoặc vỏ bao bì, thúng, mẹt, chưa bảo đảm yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm...
Do xây dựng đã lâu nên cơ sở hạ tầng 2 chợ đầu mối nông sản nêu trên của thành phố Hà Nội đã xuống cấp, nhiều gian hàng không bảo đảm an toàn cho thực phẩm cũng như nhu cầu phát triển...
Đây cũng là thực trạng chung của nhiều chợ đầu mối nông sản trên cả nước. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cả nước hiện có 83 chợ đầu mối, chiếm gần 1% tổng số chợ nhưng các chợ này hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành Nông nghiệp về cả quy mô, tiêu chuẩn, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Việc siết chặt quản lý nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm; khắc phục những hạn chế và nâng cao khả năng hoạt động, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường của các chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản là mục đích Thông tư 11/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT hướng tới” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định.
Gỡ vướng mắc, hiện thực hóa quy chuẩn
Thông tư 11/2018/TT-BNN PTNT của Bộ NN&PTNT đã đề ra nhiều quy chuẩn cụ thể về địa điểm, mặt bằng; kết cấu, điểm kinh doanh trong chợ phải có diện tích tối thiểu 3m2; đường đi trong khu vực kinh doanh phải có chiều rộng tối thiểu 1,5m... Cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản phải lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua, bán, lưu trữ hồ sơ quản lý an toàn thực phẩm tại chợ, thời gian lưu trữ tối thiểu là 2 năm...
Tuy nhiên, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng thuộc Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Huyền Trang cho rằng, rất khó có thể đạt được những quy chuẩn nêu ra, bởi cơ sở hạ tầng ở hầu hết các chợ đầu mối nông sản đều xuống cấp, không phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay…
Hầu hết hạ tầng các chợ đầu mối đều chưa đáp ứng được yêu cầu. Ảnh: Thái Hiền |
Liên quan đến quy định về diện tích tối thiểu, đường đi và kiểm soát chất lượng nông sản đưa vào chợ nêu trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản, ông Đào Văn Đô, Trưởng ban Quản lý chợ đầu mối Minh Khai cho biết, các gian hàng tại chợ đầu mối Minh Khai đang có diện tích từ 5,5m2 trở lên, đường trong chợ rộng từ 3,5m đến 6m, vượt quy chuẩn tối thiểu đưa ra, song nhiều tiểu thương vẫn có nhu cầu mở rộng để trang bị hệ thống kho bảo quản, kho chứa hàng hóa... Về quản lý chất lượng, ông Đào Văn Đô thừa nhận, Ban Quản lý chợ khó có thể kiểm soát được chất lượng các sản phẩm đưa vào chợ vì thiếu hệ thống máy móc, kỹ thuật, thiếu nguồn nhân lực...
Khảo sát tại các chợ đầu mối cho thấy, các chợ đầu mối nông sản hiện nay khó triển khai theo quy chuẩn mới, bởi hầu hết các chợ xây dựng đã lâu, việc nâng cấp, cải tạo còn nhiều khó khăn. Đáng nói, nhiều chợ không nằm trong quy hoạch, trong khi đó cơ chế chính sách để hỗ trợ thúc đẩy phát triển chợ đầu mối nông sản còn thiếu…
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải dẫn chứng, 2 chợ đầu mối hiện có ở Hà Nội (chợ đầu mối Minh Khai và chợ đầu mối phía Nam ở quận Hoàng Mai) đều không nằm trong quy hoạch mạng lưới bán buôn bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng năm 2030, nên chỉ được coi là chợ tạm. Do đó, việc cải tạo để đáp ứng các quy chuẩn mới sẽ khó thực hiện.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các địa phương cần sớm xây dựng hệ thống chợ đầu mối theo quy hoạch để phục vụ nhu cầu phát triển của thị trường. Việc xây dựng chợ mới cần tuân thủ nghiêm quy chuẩn đã đưa ra, có thể nâng cao hơn nữa các tiêu chí sao cho phù hợp với địa phương, mặt hàng và có xu hướng đón đầu sự phát triển. Đối với các tỉnh, thành phố nguồn thu ngân sách còn khó khăn, không có khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và vốn của cư dân trên địa bàn, thì Nhà nước cần hỗ trợ để đầu tư phát triển chợ đầu mối tiêu thụ nông sản.
Liên quan đến nhiệm vụ trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi giao vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước hằng năm cho các địa phương, cần tách nguồn vốn đầu tư phát triển chợ thành mục riêng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành phố hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, các ban quản lý chợ phải có trình độ chuyên môn và nhận thức rõ trách nhiệm, vai trò của mình đối với hoạt động quản lý chất lượng nông sản.
Đối với vấn đề chất lượng sản phẩm đưa vào chợ, về lâu dài, cần tăng cường phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết người sản xuất với các chuỗi bán lẻ lớn; bảo đảm cân đối cung - cầu, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi. Đồng thời, tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát giá thành và giá bán các sản phẩm nông sản.
Việc thực hiện quy chuẩn đối với chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản theo thông tư mới là bước đi tất yếu trong xu thế phát triển và hội nhập. Đây là công việc khó khăn, phức tạp và gian nan, do đó cần có lộ trình triển khai cụ thể và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.