Lấy ý kiến phản biện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)
Chính trị - Ngày đăng : 14:55, 22/04/2019
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều cho rằng dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được xây dựng công phu, về cơ bản đã thể chế hóa được các quan điểm, đường lối của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013. Dự thảo luật cũng đã kế thừa các quy định còn phù hợp và khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giáo dục hiện hành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn một số quy định trong dự thảo luật có nội dung chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các hạn chế, bất cập hiện nay.
Để Luật Giáo dục (sửa đổi) tạo nên sự đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo luật. Trong đó, đề nghị quy định rõ hơn về khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia; làm rõ tính chất mở, liên thông, hướng nghiệp, phân luồng và bổ sung chính sách, cơ chế để thực hiện phân luồng, liên thông; quy định chuẩn đầu vào đối với các ngành nghề đặc thù.
Một số đại biểu đề nghị, luật cần quy định rõ các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân và nguyên tắc chuyển đổi loại hình trường nhằm xác định rõ tính chất hoạt động của các trường tư thục. Có ý kiến đề nghị nên quy định cụ thể trong luật về mô hình trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao, mô hình trường phổ thông có nhiều cấp học và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Về giáo viên, nhiều đại biểu đề nghị quy định chuẩn nhà giáo bảo đảm hợp lý, sát thực tiễn hơn và cân nhắc trình độ, tính khả thi của việc nâng chuẩn đào tạo lên trình độ cao đẳng đối với giáo viên mầm non, trình độ đại học đối với giáo viên tiểu học…
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ghi nhận các ý kiến phát biểu tại hội nghị và sẽ tổng hợp, gửi đến các cơ quan chức năng để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).