Nắng nóng, nhiều dịch bệnh gia tăng
Xã hội - Ngày đăng : 07:08, 23/04/2019
Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần hợp tác, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh mà cơ quan chuyên môn đưa ra.
Nắng nóng, người dân nên bổ sung đủ nước, đặc biệt là nước hoa quả để nâng cao sức đề kháng. Ảnh: Xuân Hưng |
Nhiều dịch bệnh có số ca mắc tăng
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tháng 3 và đầu tháng 4-2019, số ca mắc sởi trên địa bàn thành phố dao động từ 70 đến 80 ca/tuần. Thế nhưng, trong tuần qua (từ ngày 15-4 đến 21-4), số ca mắc sởi đã tăng vọt lên 123 ca. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 928 ca mắc sởi (gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2018) nhưng chưa có trường hợp tử vong. Các quận, huyện có số ca mắc sởi cao như: Hoàng Mai có 123 ca, Thanh Xuân 67 ca, Nam Từ Liêm 65 ca, Hà Đông 57 ca, Đống Đa 48 ca, Thanh Trì 46 ca.
Chiều 22-4, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo phân tích dịch tễ bệnh nhân sởi năm 2019, hơn 500 ca mắc trong tổng số ca ghi nhận từ đầu năm đến nay (chiếm khoảng 55%) đều chưa đến tuổi tiêm chủng (trẻ dưới 9 tháng) hoặc người lớn (trên 15 tuổi) có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo về số trường hợp mắc sởi trong 3 tháng đầu năm 2019 trên thế giới đã tăng lên 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam nằm trong bối cảnh chung của thế giới. Thậm chí, nhiều ca mắc sởi từ tỉnh khác di chuyển đến Hà Nội. Điều đó cũng lý giải vì sao, bệnh sởi thường xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết nồm ẩm kéo dài. Thế nhưng, năm nay, dù thời tiết nắng nóng những ngày qua nhưng số ca mắc sởi vẫn tăng. Dự báo, dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Không chỉ dịch bệnh sởi, trong tuần qua, một số dịch bệnh như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà… có số mắc tăng nhẹ so với tuần trước đó. Cụ thể, ghi nhận 11 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 4 ca), tay chân miệng ghi nhận 19 ca (tăng 8 ca), ho gà ghi nhận 4 ca (tăng 1 ca). Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 185 ca sốt xuất huyết (tăng hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2018), 216 ca tay chân miệng (giảm 19 ca) và 58 ca ho gà (tăng hơn 4,8 lần). Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, dù các dịch bệnh này vẫn trong tầm kiểm soát nhưng thời tiết nắng nóng, kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và gây bệnh. Thêm vào đó, mùa hè là thời gian gia tăng hoạt động đi lại, du lịch, buôn bán, vận chuyển gia cầm cũng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm như: Cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, viêm não... Tình trạng ô nhiễm môi trường, điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm chưa bảo đảm... cũng là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh đe dọa cuộc sống của người dân. Thậm chí, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để vi rút, vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, như tả, lỵ phát triển, xâm nhập cơ thể con người.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Trước nguy cơ nhiều dịch bệnh có thể bùng phát trong mùa hè, ông Hoàng Đức Hạnh yêu cầu tiếp tục củng cố và nâng cao khả năng phản ứng nhanh của các đội chống dịch cơ động trên địa bàn thành phố. Tại các cơ sở y tế phải bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, vắc xin, hóa chất cho công tác phòng chống dịch bệnh. Các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát, hướng dẫn việc triển khai thực hiện tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả, đồng thời tổ chức kiểm tra vệ sinh môi trường, giám sát thường kỳ chất lượng nước sinh hoạt tại các nhà máy, trạm cấp nước… Các đơn vị y tế tiếp tục tăng cường giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là tuyên truyền để người dân tích cực đưa con em đi tiêm chủng phòng bệnh theo quy định.
Để phòng tránh các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, hô hấp, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, người dân nên tuân thủ việc ăn chín, uống sôi. Mỗi người nên bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể từ 2 lít nước lọc/ngày và các loại nước hoa quả để bổ sung vitamin nâng cao sức đề kháng. Không nên uống quá nhiều nước đá lạnh vì dễ gây viêm họng; không nên nằm quạt, máy lạnh quá lâu vì như vậy cũng dễ gây các bệnh đường hô hấp... Tránh vận động ngoài trời quá nhiều gây mất sức, mất nước; hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý, qua giám sát dịch tễ của ngành Y tế cho thấy, có tới 10 loại bệnh truyền nhiễm dễ gia tăng và lây lan từ tháng 5 đến tháng 8, gồm: Cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, lỵ trực trùng, thủy đậu, adeno vi rút, lỵ amip, rubella, viêm não vi rút. Đây phần lớn đều là các dịch bệnh dễ lây lan thông qua môi trường, đường hô hấp, ăn uống và tiếp xúc. Hơn nữa, không ít dịch bệnh đến nay vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và chủ động phòng chống các loại dịch bệnh bằng những hoạt động thiết thực nhất.