Vì sao hàng trăm nhà xe bỏ bến?

Giao thông - Ngày đăng : 06:47, 23/04/2019

(HNM) - Từ đầu năm 2019 đến nay, hàng trăm nhà xe đăng ký tại các bến xe Hà Nội chỉ vận hành hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ chạy xe, thậm chí bỏ ra ngoài hoạt động theo dạng xe “dù”. Vì sao có hiện tượng trên?


Nhiều nhà xe bỏ bến

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội gửi tới Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, trong tháng 1 và 2-2019, chỉ riêng tại Bến xe Giáp Bát có 66 doanh nghiệp vận tải hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ đã đăng ký; thậm chí, có nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ hoạt động là 0% như: Công ty TNHH Hải Thắng chạy tuyến Bến xe Giáp Bát - thành phố Ninh Bình; Công ty TNHH Minh Dũng có 5 “lốt” chạy tuyến Bến xe Giáp Bát - Kim Sơn thì có 4 “lốt” không hoạt động; Công ty cổ phần Du lịch thương mại và Đầu tư Thiên Trường có 8 “lốt” chạy tuyến Bến xe Giáp Bát - thành phố Ninh Bình thì có 3 “lốt” không hoạt động.

Trong 5 “lốt” còn lại thì “lốt” cao nhất cũng chỉ hoạt động đạt tỷ lệ 58,1%... Cũng trong thời gian nói trên, tại Bến xe Nước Ngầm có 266 tuyến vận tải của hơn 100 doanh nghiệp không tham gia hoạt động tại bến. Điển hình như Hợp tác xã Dịch vụ vận tải ô tô Nam Danh, Công ty TNHH Thương mại và vận tải Hoàng Sơn, Công ty cổ phần Quốc tế Mỹ Đình, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Hoàng Yến, Công ty cổ phần Vận tải Nam Trực, Hợp tác xã Vận tải Thăng Long,... Không chỉ bỏ bến, nhiều đơn vị còn không đăng ký hoạt động vận tải khách năm 2019. Theo ông Trịnh Hoài Lam, Phó Giám đốc Bến xe Nước Ngầm, tình trạng xe bỏ bến đã lác đác xảy ra từ năm 2018 nhưng rộ lên từ đầu năm 2019 đến nay.

Một số nhà xe khi báo cáo với đơn vị quản lý và khai thác bến xe đã đưa ra những lý do giải thích về việc hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ đã đăng ký, hoặc bỏ bến là do xe hỏng phải sửa chữa, xe bị tai nạn... Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, không ít nhà xe bỏ bến nhưng lại lén lút ra ngoài đón trả khách tại các tuyến đường, khu vực đông dân cư như đường Giải Phóng, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng... Vô hình trung, các xe đang hoạt động hợp pháp lại trở thành một dạng xe “dù”.

Doanh nghiệp phải “tự cứu”?

Lý giải nguyên nhân dẫn tới phải cắt giảm, ông Vũ Văn Tú - Công ty cổ phần ô tô Ninh Bình cho biết, đơn vị đăng ký khoảng 70 lượt xe/ngày xuất phát từ Bến xe Giáp Bát đi các huyện của tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, hiệu suất ghế xe xuất bến chỉ đạt 30-40%, nên bình quân hằng ngày chỉ có khoảng 60-70% số “lốt” đăng ký hoạt động. Trong khi đó, rất nhiều xe hợp đồng Limousine trá hình xe khách liên tỉnh ngang nhiên bắt khách dọc đường khiến các doanh nghiệp vận tải thêm khó khăn, cực chẳng đã mới phải bỏ bến. Đây là điều sớm muộn cũng sẽ xảy ra, bởi sự phát triển ồ ạt của loại hình xe hợp đồng Limousine hoạt động trá hình như xe khách liên tỉnh, dần “bóp chết” xe khách liên tỉnh tuyến cố định, đẩy các doanh nghiệp vận tải tới chỗ phải tự tìm đường sống.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, xe Limousine trá hình không vào bến mà chạy lòng vòng “đón khách tận nơi, trả khách tại chỗ” theo nhu cầu đang gây ra những hệ lụy lớn, vừa mất trật tự an toàn giao thông, thất thu thuế cho Nhà nước và cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Việc xuất hiện các xe Limousine đưa đón tận nơi cũng làm cho hành khách bỏ thói quen đến bến xe, khiến không ít doanh nghiệp vận tải tuyến cố định phải ra ngoài cạnh tranh. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Giao thông - Vận tải cần sớm sửa đổi các quy định nhằm loại bỏ xe Limousine hoạt động trá hình.

Theo quy định, đối với những xe khách hoạt động dưới 70%, lần đầu sẽ nhắc nhở, nếu tái phạm thu hồi phù hiệu 1 tháng, sau đó cấp lại. Phải chăng chế tài này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe? Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội thừa nhận là nhẹ, nhưng để xử lý được doanh nghiệp hay phương tiện vi phạm thì phải căn cứ vào các văn bản pháp quy hiện hành. Để cắt được “lốt” với các doanh nghiệp, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội phải phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải phía đối lưu rà soát các hành vi vi phạm, sau đó đồng kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải điều chỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, để biết được xe có vào bến hay đang hoạt động sai hành trình đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì phải căn cứ vào hệ thống giám sát hành trình tự động.

Tuy nhiên, hiện hệ thống này chưa tích hợp nên muốn kiểm tra một xe nào đó Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội lại phải tra “thủ công”. Sở đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm đầu tư, nâng cấp và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động vận tải. Trước mắt, Sở đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thu hồi phù hiệu; yêu cầu các bến xe từ chối phục vụ trong vòng 1 tháng theo đúng quy định. Đồng thời, đề nghị các sở giao thông - vận tải tại các đầu đối lưu tiếp tục nhắc nhở, chỉ đạo các đơn vị hoạt động trên tuyến đến Hà Nội chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; ghi rõ hành trình, lịch trình chạy xe ghi trong lệnh vận chuyển để thuận tiện cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý...

Tuấn Lương