Chủ động phòng ngừa tai nạn lao động

Xã hội - Ngày đăng : 07:03, 24/04/2019

(HNM) - Không phải ngẫu nhiên chủ đề của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019 là

Người sử dụng lao động và người lao động cần được trang bị đầy đủ kỹ năng kiến thức về an toàn. Ảnh: Nhật Nam


- Thưa ông, vì sao lại chọn chủ đề của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019 là “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”?

- Đánh giá, quản lý rủi ro chính là một giải pháp thiết thực và hiệu quả để ngăn ngừa tai nạn lao động. Mỗi người đều chủ động tìm hiểu, đánh giá, nhận diện rõ nguy cơ, khi đó, cả người sử dụng lao động và người lao động sẽ có sự phối hợp cần thiết, xây dựng hướng giải quyết phù hợp để xử lý rủi ro, bảo đảm quá trình làm việc diễn ra an toàn. Tùy theo đặc thù của từng công việc, dù đơn giản hay phức tạp, điều quan trọng là chúng ta phải luôn chủ động tìm hiểu, nhận thức rõ những mối nguy hiểm có thể xảy ra bằng sự quan sát, phát hiện nguy cơ, báo cho người có trách nhiệm kịp thời xử lý để phòng, tránh tai nạn một cách hiệu quả.

Qua báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động cũng như tình hình tai nạn lao động trong thời gian qua tại các bộ, ngành, địa phương, có thể thấy điều kiện lao động trong các doanh nghiệp vẫn tồn tại nhiều nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động và người lao động chưa có kỹ năng, kiến thức đầy đủ trong việc đánh giá, nhận diện các nguy cơ rủi ro, dẫn đến nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất là sự chủ động nhập cuộc trong phòng ngừa tai nạn lao động và việc lựa chọn chủ đề nêu trên là rất cần thiết.

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về kế hoạch triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019?

- Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019 sẽ được tổ chức từ ngày 1 đến 31-5-2019 trên toàn quốc, nhằm thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể trong các doanh nghiệp, cơ sở; cải thiện điều kiện lao động; tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát các nội dung, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, kỹ năng đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Có rất nhiều đầu việc sẽ được tiến hành ở 63 tỉnh, thành phố và một số ngành trên cả nước nhưng sẽ tập trung vào 5 nhóm việc trọng điểm. Thứ nhất là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Thứ hai, tổ chức các hội nghị, hội thảo chủ đề chuyên sâu về đánh giá, phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Thứ ba, tiến hành tổ chức đối thoại giữa người sử dụng lao động, người lao động và các cấp quản lý, nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhất. Thứ tư, tổ chức các hoạt động cao điểm về an toàn, vệ sinh lao động tại tỉnh Quảng Nam. Thứ năm, tiến hành thanh tra, kiểm tra xử lý các doanh nghiệp, công trình vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động...

Người lao động cần được trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ nhằm tránh những nguy cơ rủi ro. Ảnh: Viết Thành


- Vậy, công tác chuẩn bị cho lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động quốc gia được chuẩn bị như thế nào?

- Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động trung ương đã thống nhất chọn Quảng Nam là địa phương đăng cai lễ phát động quốc gia năm 2019, sẽ diễn ra vào 8h ngày 4-5, tại Hội trường số 1, UBND tỉnh Quảng Nam (62 Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ). Với sự vào cuộc đầy trách nhiệm và quyết tâm của UBND tỉnh Quảng Nam trong công tác phối hợp với các ban, ngành của trung ương, rất nhiều hoạt động cao điểm sẽ diễn ra trên địa bàn tỉnh này, như: Tổ chức chương trình đối thoại giữa Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động với các doanh nghiệp về việc triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động; Hội thảo “Kinh nghiệm rút ra từ các vụ tai nạn lao động xảy ra thời gian qua, đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động trong thời gian tới”... Đến nay, mọi khâu chuẩn bị đang tích cực được triển khai, bảo đảm hoàn thành đúng như kế hoạch, chương trình đề ra.

- Theo ông, cùng với Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, các doanh nghiệp cần làm gì để tai nạn lao động tiếp tục giảm xuống?

- Thống kê tình hình lao động năm 2018 cho thấy, số vụ tai nạn lao động giảm 8,5%, tổng số nạn nhân giảm 8,19%, số vụ có người chết giảm 10,8%, số người chết giảm 6,6%... so với năm 2017. Thông qua việc tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động cùng với các hoạt động của Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động, đã góp phần kiềm chế tai nạn lao động, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, người sử dụng lao động và người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Để tiếp tục đạt hiệu quả cao hơn, các doanh nghiệp cần tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động; chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát, phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động... Tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: Xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, khai thác mỏ, khoáng sản, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại...

- Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Hoa