Bất ổn thị trường dầu mỏ toàn cầu
Thế giới - Ngày đăng : 06:36, 24/04/2019
Động thái của Mỹ không chỉ tác động tới hoạt động xuất khẩu dầu của Iran mà còn ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu. |
Sau khi đơn phương rút khỏi JCPOA hồi tháng 5-2018, Mỹ đã tái áp đặt nhiều lệnh trừng phạt được coi là mạnh nhất từ trước tới nay với Iran, trong đó chủ yếu nhằm vào khu vực tài chính và dầu mỏ. Tại thời điểm đó, Washington cho phép 8 nước và vùng lãnh thổ nằm trong danh sách ngoại lệ (SRE) được cấp quy chế miễn trừ và tiếp tục nhập khẩu dầu từ Tehran với số lượng hạn chế. Trong số này, Italia, Hy Lạp và Đài Loan (Trung Quốc) đã ngừng nhập khẩu dầu từ tháng 11-2018, trong khi 5 quốc gia còn lại là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn duy trì một số hoạt động với Iran.
Tuy nhiên, với nỗ lực ngăn chặn xuất khẩu dầu - một nguồn thu quan trọng của Tehran, ngày 22-4, Tổng thống D.Trump đã quyết định không gia hạn cho SRE khi quy chế này dự kiến hết hạn vào ngày 2-5 tới. Mỹ sẽ thông báo trực tiếp tới các nước và vùng lãnh thổ đang có quan hệ kinh tế với Iran phải chấm dứt việc nhập khẩu nếu không muốn đối mặt với các biện pháp trừng phạt. Cùng với thông báo này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng tuyên bố trên Twitter rằng, đây là một phần của chiến dịch gây sức ép tối đa và sẽ không còn trường hợp ngoại lệ với bất cứ quốc gia nào.
Song song với nỗ lực giảm dần khách hàng của Iran và ngăn chặn nguồn cung từ nước này trên thị trường toàn cầu, Mỹ, Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cùng các đồng minh khác cũng đã đưa ra cam kết tăng sản lượng và bảo đảm rằng thị trường dầu mỏ thế giới vẫn được cung ứng đầy đủ, tránh xảy ra tình trạng bất ổn giá cả. Tuy nhiên, động thái của Mỹ ước tính sẽ xóa bỏ khoảng 1 triệu thùng/ngày khỏi thị trường dầu thô, khiến thị trường toàn cầu có những phản ứng tức thì. Trong phiên giao dịch sáng 22-4, giá dầu Brent giao trong tương lai tăng 3,2% lên mức 74,30 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 1-11-2018. Giá dầu giao trong tương lai của sàn West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ cũng tăng 2,9% lên mức 65,87 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 30-11-2018.
Phản ứng trước quyết định này, Bộ Ngoại giao Iran cho rằng, quy chế miễn trừ vốn không có giá trị, song tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt đơn phương từ phía Mỹ buộc nước này phải liên lạc với các đối tác nước ngoài, các nước láng giềng, châu Âu và cộng đồng quốc tế để có hành động phù hợp. Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - những khách hàng lớn của Iran cũng đã kêu gọi Mỹ trì hoãn quyết định vừa được đưa ra. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh, hợp tác song phương giữa nước này với Iran là tuân thủ luật pháp, đồng thời Bắc Kinh luôn giữ vững lập trường phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương của Washington. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế hàng hóa với Iran bởi hoạt động nhập khẩu dầu từ Tehran có tác động rất lớn tới việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của Ankara.
Ước tính, Iran thu về khoảng 50 tỷ USD mỗi năm từ buôn bán dầu, chiếm khoảng 40% nguồn thu của Chính phủ nước này. Ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt được Washington đưa ra khiến Tehran bước đầu phải cắt giảm các khoản chi cho y tế, quân sự… để cân bằng ngân sách. Các chuyên gia nhận định, động thái của Mỹ nhằm vào Iran còn mang lại rủi ro, tác động lớn đến thị trường dầu mỏ toàn cầu, khi nguồn cung vốn đã không ổn định nay còn bị thắt chặt.