Kiên quyết giảm tai nạn giao thông do vi phạm ma túy, nồng độ cồn
Giao thông - Ngày đăng : 11:05, 24/04/2019
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể và đại diện các bộ, ngành liên quan. Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng.
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý I-2019, toàn quốc đã xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn giao thông giảm 644 vụ (tương đương 13,78%), giảm 244 người chết (11,35%), giảm 486 người bị thương (13,4%). Tuy đã giảm trên cả 3 tiêu chí, nhưng vẫn còn xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm chết 29 người và bị thương 29 người. Điển hình như vụ tai nạn giữa xe khách với đoàn người đưa tang tại huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc), làm 7 người chết, 1 người bị thương; vụ tai nạn giao thông xảy ra tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) do xe ô tô con đâm vào đội dịch vụ tang lễ đang chuẩn bị làm lễ đưa tang, làm 4 người chết, 6 người bị thương.
Cũng trong quý I-2019, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm ùn tắc trên các trục giao thông chính và các đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cả nước vẫn xảy ra 20 vụ ùn tắc giao thông kéo dài.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ùn tắc và tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp là do công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải, hạ tầng giao thông và trật tự an toàn giao thông còn hạn chế. Việc khắc phục các bất hợp lý trong tổ chức giao thông, giải quyết các “điểm đen” còn chưa kịp thời. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, nhất là trong việc quản lý chất lượng phương tiện, quản lý vi phạm của lái xe. Tình hình xe ô tô kinh doanh hợp đồng tổ chức hoạt động theo mô hình tuyến vận tải cố định, đặc biệt là thực hiện đón trả khách không đúng nơi quy định sâu trong nội đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương dẫn tới xe “dù”, bến “cóc” tăng mạnh, gây mất trật tự an toàn giao thông, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe chở khách theo tuyến cố định.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của một bộ phận doanh nghiệp và người dân chưa cao, dẫn đến tình trạng người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng làn đường cho phép, sử dụng rượu bia khi lái xe... còn diễn ra tại nhiều nơi trên hệ thống đường bộ toàn quốc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình đánh giá, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm an toàn giao thông đã có chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019 giảm sâu, giúp tình hình tai nạn giao thông trong quý I-2019 giảm trên 10% về cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, còn 19 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2018; trong đó có 10 địa phương tăng trên 20%; vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình trạng xe “dù”, bến “cóc” có xu hướng gia tăng; ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn còn diễn biến phức tạp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành xác định rõ nguyên nhân chủ quan của quản lý nhà nước ở cả trung ương và địa phương để từ đó đề xuất giải pháp có thể triển khai ngay. Đặc biệt, quy rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong bảo đảm an toàn giao thông để tiếp tục kéo giảm sâu số vụ tai nạn giao thông trong quý II-2019. Trong đó, kiên quyết giảm tai nạn giao thông do vi phạm ma túy, nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn khi tham gia giao thông...