Để thương hiệu Việt lan tỏa hơn nữa...

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:48, 24/04/2019

(HNM) - Quảng bá, giới thiệu sản phẩm là một kênh quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, hiện còn không ít doanh nghiệp chưa làm tốt việc này nên sức lan tỏa của hàng hóa Việt tới người tiêu dùng chưa đạt kết quả như mong muốn.

Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: Sơn Hà


Những kết quả tích cực

Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội, quý I-2019, Ban Chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện công tác tuyên truyền, tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng. Các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục tham mưu cho thành phố tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu, khuyến công, làng nghề, góp phần tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đánh giá cao kết quả đạt được trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các hội chợ, phiên chợ hàng Việt đã đón đông đảo nhân dân tham quan và mua sắm, qua đó nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong lựa chọn các sản phẩm nội địa. Lượng hàng Việt bán ra trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tăng kỷ lục là minh chứng sinh động cho nỗ lực của các sở, ngành, doanh nghiệp trong việc đưa hàng Việt đến với đông đảo người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng tích cực hưởng ứng cuộc vận động, chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, coi trọng khách hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm, từng bước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Vũ Đức Hiến - Giám đốc Công ty cổ phần Diligo Holdings (chuyên sản xuất, nhập khẩu và phân phối hàng tiêu dùng tại Việt Nam) cho biết, hưởng ứng cuộc vận động, doanh nghiệp đã nỗ lực sản xuất hàng hóa chất lượng, xây dựng hệ thống phân phối, đưa hàng hóa đến người tiêu dùng từ nông thôn đến thành thị. Với các sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, thị phần của Công ty chiếm rất cao tại hệ thống siêu thị ở phân khúc trung và cao cấp.

Hà Nội cũng có nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Thủ đô và cả nước như khóa Việt Tiệp, dây cáp điện Trần Phú, văn phòng phẩm Hồng Hà… Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, vẫn còn đơn vị chưa chủ động triển khai cuộc vận động; một số doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng, bảo vệ thương hiệu, nhãn mác...

Tuyên truyền tôn vinh hàng Việt

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu rõ, để hàng Việt đến được với đông đảo người tiêu dùng, hoạt động thông tin, quảng bá là rất cần thiết. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo cuộc vận động các quận, huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa tới cán bộ, công nhân viên chức, nhân dân qua các hệ thống mua sắm trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền tới doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp sử dụng sản phẩm nội khối của nhau; kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với các siêu thị, trung tâm thương mại… Bên cạnh đó, để hàng Việt giữ vững thị phần trước sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền về cuộc vận động, về hàng Việt Nam tới người dân; chú trọng việc tôn vinh, bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao...

Để cuộc vận động đạt kết quả cao hơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương yêu cầu, các đơn vị thành viên nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng, triển khai chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2019. Tổ chức đưa hàng Việt đến người tiêu dùng; gắn hoạt động của cuộc vận động với các hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; kết nối cung - cầu, đẩy mạnh liên kết nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng...; lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội...

Các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố cần tiếp tục tập trung đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng tôn vinh hàng Việt Nam chất lượng cao, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành…, từ đó nâng cao chất lượng cuộc vận động; gắn việc thực hiện cuộc vận động với các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền rộng rãi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới người dân, tăng cường đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, ngăn chặn vi phạm sở hữu trí tuệ, xử lý nghiêm những hành vi xâm hại đến lợi ích người tiêu dùng...

Thanh Hiền