Giám sát an toàn thực phẩm dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5
Xã hội - Ngày đăng : 08:29, 26/04/2019
Người tiêu dùng cần cảnh giác khi lựa chọn các quán hàng kinh doanh thời vụ tại các điểm du lịch. |
Cảnh giác với cơ sở kinh doanh thời vụ
Đề cập đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dịp nghỉ lễ này cũng là thời điểm thành phố đang tăng cường triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2019. Vì vậy, toàn thành phố đã thành lập 690 đoàn thanh tra liên ngành từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm, quá trình lưu thông thực phẩm trên thị trường, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các nhà hàng, quán ăn, điểm kinh doanh thức ăn đường phố thời vụ tại các điểm vui chơi, giải trí, các làng nghề… Mặt khác, tập trung kiểm tra các sản phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp nghỉ lễ như: Nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, đồ ăn nhanh, bánh kẹo, rượu bia, thịt đông lạnh, gia cầm…
Tính từ ngày 15-4 đến nay, các đoàn thanh tra liên ngành tuyến quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 3.186 cơ sở, trong đó phát hiện 513 cơ sở vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính 375 cơ sở với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã tiến hành đóng cửa 11 cơ sở, đồng thời tiêu hủy sản phẩm gia cầm, giò, cá đông lạnh, thịt bò Mỹ đông lạnh, thịt lợn… không bảo đảm an toàn thực phẩm của 82 cơ sở. Riêng các đoàn chuyên ngành của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra được 21 cơ sở, trong đó có 15 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền. Qua đó đã phát hiện 2 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai không bảo đảm an toàn.
Qua kiểm tra thực tế, ông Trần Văn Chung lo ngại, tại các điểm vui chơi, du lịch trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 thường diễn ra tình trạng quá tải. Đây cũng là dịp những cơ sở kinh doanh mang tính chất thời vụ mọc lên như nấm. Do người bán hàng di chuyển nhiều nơi, hạn chế về cơ sở vật chất, điều kiện bảo quản thực phẩm, nguồn nước sinh hoạt và nguồn cung cấp thực phẩm cũng chưa thành hệ thống, nên còn nhiều vi phạm. Thêm vào đó, các hộ kinh doanh thời vụ thường ít tuân thủ việc đeo găng tay khi chế biến thực phẩm chín, không dùng kẹp gắp hay chia thức ăn, thậm chí còn để thức ăn sống - chín lẫn lộn… Đây là những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, hiện nay để bảo đảm an toàn thực phẩm, nhiệm vụ chính vẫn là phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Riêng với Cục Quản lý thị trường Hà Nội, mỗi đội quản lý thị trường phải kiểm tra 2 vụ việc an toàn thực phẩm/tuần. Với tổng số 30 đội quản lý thị trường phải đảm nhận kiểm tra là 60 vụ/tuần. Không chỉ riêng thời điểm này mà công tác thanh tra, kiểm tra luôn được đơn vị thực hiện liên tục.
Người dân cần chung tay chống thực phẩm bẩn
Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, trong thực tế hiện nay, người tiêu dùng thường có tâm lý “ngại” báo cáo sự việc, hành vi vi phạm an toàn thực phẩm hoặc có khi báo cáo không đủ chứng cứ, báo cáo chưa chính xác… nên cần một kênh xác minh thông tin và khi nhận được thông tin thì lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra ngay lập tức, như vậy sẽ mang lại hiệu quả hơn. “Phải hướng dẫn người dân nhận biết, tuyên truyền, phản ánh đúng, đủ về những vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm. Chỉ riêng Hà Nội với khoảng 10 triệu người dân sẽ là một kênh nhận diện và tuyên truyền hữu ích cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm”, ông Nguyễn Đắc Lộc nêu giải pháp.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, ngoài sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh, kiểm tra, xử nghiêm vi phạm của cơ quan quản lý, ý thức trách nhiệm của người kinh doanh, rất cần ý thức của người tiêu dùng nói “không” với thực phẩm không an toàn; kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho cơ quan chức năng, khai báo ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm… “Rất mong người dân khi đến các điểm du lịch, vui chơi, giải trí hãy cùng chung tay giám sát an toàn thực phẩm. Nếu phát hiện cơ sở vi phạm hãy thông tin ngay về các Đường dây nóng: Sở Công Thương: 1900585826; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 0243 3800115; Sở Y tế: 0243 998 5765”, ông Trần Ngọc Tụ nói.
Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, ông Trần Văn Chung cũng yêu cầu chính quyền địa phương, ban tổ chức các điểm vui chơi, giải trí cần tăng cường kiểm tra, áp dụng những hình thức xử phạt đúng quy định, kiên quyết không để những cơ sở kinh doanh không tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm được tồn tại, làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân và du khách. Mặt khác, các quận, huyện, thị xã cần lên phương án phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý. Cụ thể, tổ chức lực lượng thường trực sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp trong công tác điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả nếu có sự cố an toàn thực phẩm xảy ra tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm và các điểm vui chơi, du lịch, lễ hội…