Trách nhiệm đồng hành
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:44, 28/04/2019
Để việc thực hiện kế hoạch này thu được hiệu quả, trước tiên, cần phải hiểu đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ nhà giáo. Văn bản được ký vào ngày 2-4-2019, trong bối cảnh tại một số địa phương đã từng xảy ra vụ việc tiêu cực, trong đó có những vụ nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận, như nhà giáo tham gia vào việc nâng điểm thi, có hành vi xâm hại học sinh… Vì vậy dễ dẫn đến cách hiểu không đúng, rằng việc ban hành văn bản nói trên là giải pháp “mất bò mới lo làm chuồng”, “đối phó”… Cần phải loại bỏ cách hiểu này bởi trong thực tế, không chỉ ngành Giáo dục mà Đảng, Chính phủ và nhân dân luôn xác định vai trò quan trọng của người thầy trong sự nghiệp xây dựng con người, xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Nghề giáo được tôn vinh là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Nghị quyết số 29/NQ-TƯ, ngày 4-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” được phê duyệt theo Quyết định số 1299/QĐ-TTg, ngày 3-10-2018, của Thủ tướng Chính phủ, và nhiều văn bản khác cho thấy sự quan tâm mang tính nhất quán, xuyên suốt đối với nhà giáo cũng như đặt ra yêu cầu thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ làm công tác “trồng người”. Trong bối cảnh đó, việc ban hành một kế hoạch chuyên đề trong đội ngũ nhân sự ngành Giáo dục chính là việc làm mang tính thiết thực, góp phần thực hiện tốt hơn những chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Một kế hoạch hành động, dù quan trọng đến đâu cũng trở nên vô nghĩa nếu công tác triển khai không thu được hiệu quả. Để thực hiện tốt kế hoạch nói trên, tạo chuyển biến thực sự về đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ nhà giáo, cần có sự cộng đồng trách nhiệm trong toàn xã hội. Lý luận và thực tiễn cho thấy chất lượng nguồn nhân lực giáo dục phụ thuộc không nhỏ vào nơi đào tạo nhà giáo - các trường sư phạm.
Nhưng thực tiễn cũng chỉ ra rằng ngay cả những người được đào tạo bài bản, nhận thức tốt, trình độ cao cũng có thể sa ngã trước áp lực cuộc sống. Sự trưởng thành của nhà giáo, hành vi và sự tác động của họ vào quá trình xây dựng môi trường giáo dục không mang ý nghĩa tự thân, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Bởi vậy, cần hình thành ý thức chia sẻ, hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn đối với nhà giáo, cũng như có hình thức kiểm tra, đánh giá, xử lý vi phạm khách quan, công bằng, đúng mức nhằm ngăn chặn hành vi tiêu cực trong đội ngũ những người thầy.
Trong lúc khó khăn, khi xuất hiện những biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ nhà giáo, xã hội lên án hành vi sai phạm nhưng cũng cần ở bên cạnh, cùng đồng hành, chia sẻ trách nhiệm hành động vì tương lai của trẻ em, trong đó có con em mình. Cách hiểu hợp lý hơn cả lúc này có lẽ là: Đối với mỗi vụ việc không hay xảy ra tại nhà trường, người chịu trách nhiệm không chỉ có các thành viên ban giám hiệu và nhà giáo liên quan. Các phòng giáo dục, sở giáo dục và đào tạo cần phải tự hỏi mình đã ở đâu, làm được gì trong vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hành động của các nhà trường.
Phụ huynh học sinh cũng nên tự hỏi mình đã gần gũi các con, đủ để hiểu trẻ và phát hiện sớm nguy cơ mất an toàn, qua đó phối hợp với nhà trường nhằm ngăn chặn, phòng tránh bạo lực học đường hay chưa…?. Với trách nhiệm đồng hành, chắc chắn đạo đức nhà giáo sẽ không còn là vấn đề phải đưa ra bàn như thế này.