Khơi dậy những cây bút trẻ viết về Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 07:18, 28/04/2019
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng (phải) và nhà thơ Lữ Mai (giữa) giao lưu với độc giả về hai cuốn sách mới. Ảnh: Toan Toan |
- Anh vừa ra mắt tập tản văn “Nối những vệt không gian” cùng thời điểm nhà thơ, nhà báo trẻ Lữ Mai tái bản có bổ sung cuốn “Hà Nội không vội được đâu”. Đây đều là những trang viết đẹp về Hà Nội hôm nay. Anh có thể chia sẻ cảm nhận về một số cây bút trẻ viết tản văn về Hà Nội hiện thời?
- Nếu tạm lấy độ tuổi 40 trở về trước để làm giới hạn trẻ - trung tuổi, thì xin phép không nhắc đến nữa những cây bút đã thành danh và có nhiều trang viết tâm huyết về Hà Nội, đã đi qua thời “trẻ” như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Trương Quý, Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy, Uông Triều, Nguyễn Anh Vũ, Thụy Anh, Thái Hương Liên…
Trong sự giao lưu và trao đổi nghề nghiệp không thể rộng khắp của mình, với các bạn viết dưới 40 tuổi, tôi đọc một số tản văn của Hương Thị, thấy một không khí vùng ngoại thành và ấu thơ sinh động, tươi tắn, giàu chi tiết sống. Những trang tản văn của Lữ Mai về Hà Nội và hoài niệm từ Hà Nội giàu tình cảm, ngôn từ đẹp, phảng phất cuộc đời, thân phận. Một số tản văn của Nguyễn Văn Học miêu tả chút nét phố, nét quê cụ thể, mộc mạc, dung dị… Tôi thầm mong những tác giả trên “phóng bút” mạnh mẽ, dồi dào hơn nữa, và các cây bút trẻ khác cũng được khơi dậy cảm hứng khi viết về Hà Nội.
- Hà Nội đương thời có điều gì hấp dẫn những cây bút trẻ, thưa anh?
- Hà Nội của chúng ta ngày nay đã mở rộng nhiều, mọi mặt của đời sống đều chuyển động mạnh mẽ. Ở khu vực trung tâm, ngoại thành, vùng trung du, chuyển tiếp sang miền núi, vùng giáp ranh với các tỉnh lân cận… đều có nhiều không gian, địa chỉ để thâm nhập, trải nghiệm, tìm hứng thú và ý tưởng sáng tác. Tôi tin những người trẻ vốn sung sức và khát khao cái mới luôn tìm thấy những điều hấp dẫn ở Hà Nội hôm nay.
- Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sinh hoạt trong Ban Nhà văn trẻ, đồng thời là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, theo anh, để thúc đẩy các cây bút trẻ viết thêm về Hà Nội, phía các hội nghề nghiệp, các cơ quan chức năng cần làm gì?
- Hà Nội hấp dẫn như thế nên người nào tâm huyết, hào hứng, có ý tưởng, có trữ lượng vẫn sẽ viết về Hà Nội. Nhưng để có nhiều tác phẩm tốt mà chọn lựa, phát huy giá trị thì cần gây dựng phong trào, đầu tư và tổ chức các hoạt động sáng tác. Và mong có tác phẩm của người trẻ thì đối tượng sáng tác được tham gia nên giới hạn cụ thể về độ tuổi, thế hệ, nhằm “lôi kéo” các bạn nhập cuộc hào hứng, sôi nổi, đồng điệu hơn.
Hiện nay, các cơ quan văn hóa, truyền thông, các hội nghề nghiệp về văn học có điều kiện về tổ chức, kinh phí. Và như tôi quan sát thì gần đây có thêm nhiều sự tiếp cận, lắng nghe hơn giữa lãnh đạo thành phố với văn nghệ sĩ. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức, hội nghề nghiệp nên phối hợp mở ra những không gian, sân chơi, “đường đua”… cho các cây bút trẻ để viết về Hà Nội.
- Anh có thể chia sẻ một số gợi ý cụ thể hơn?
- Theo tôi thì có thể tổ chức các cuộc thi sáng tác thơ, truyện ngắn, viết tản văn… về đề tài Hà Nội cho các tác giả ở độ tuổi 35 hoặc 40 trở lại; tổ chức những chuyến đi thực tế; mở trại sáng tác cho những tác giả trẻ trên địa bàn Hà Nội; tổ chức hội nghị viết văn trẻ để trao đổi kinh nghiệm... Về đối tượng thì cũng không khó tìm. Đó là những hội viên trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội, những người viết đang học ngành văn chương say mê sáng tác trong các cơ sở đào tạo tại Thủ đô, hoặc những gương mặt sáng tác trẻ khác đang sinh sống ở Hà Nội…
Bên cạnh đó, các nhà xuất bản nên tạo điều kiện phát hành những cuốn sách về Hà Nội của những người viết trẻ. Điều đó vừa đem đến cho người đọc những trang viết với những góc nhìn khác nhau về Hà Nội, vừa thúc đẩy các tác giả tiếp tục sáng tác.
- Hội Nhà văn Hà Nội đang phát động sáng tác về Hà Nội nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019), anh đã ấp ủ cho mình những trang viết gì chưa?
- Tôi hưởng ứng bằng cuốn tản văn vừa mới xuất bản của mình. Giống như Lữ Mai, chúng tôi cảm nhận văn hóa, chiều sâu lịch sử, nếp sống Hà Nội từ lăng kính của vùng đất khác. Với Lữ Mai là từ miền Trung, còn với tôi là từ nội thành nhìn ra ngoại thành và ngược lại. Chúng tôi có chung mong muốn tìm và đưa ra những nét đẹp của Hà Nội đương thời, để mỗi người đọc nhận thấy sự cần thiết kết nối đời sống hiện tại với mạch nguồn quá khứ, lưu giữ và vận dụng để kiến tạo tương lai. Hiện tôi đang viết tiếp những tản văn về phố, về quê, về núi đồi, về những con đường, những con người Hà Nội…
Có quá nhiều điều tôi chưa viết hết. Tôi cũng vừa hoàn thành bản thảo tập thơ, trong đó gửi gắm nhiều ấn tượng sống, trải nghiệm, trưởng thành của tôi giữa gia đình, mọi người, cuộc đời, ở Hà Đông nơi tôi sinh ra, ở phố phường Hà Nội nơi tôi lớn lên, học tập, sinh sống, đang làm việc và vẫn không ngừng rong ruổi. Dự kiến, tôi sẽ in tập thơ trong dịp hè, tiếp tục là một tình cảm dâng lên Hà Nội.
- Trân trọng cảm ơn anh!