Phải phát triển công nghệ xử lý
Công nghệ - Ngày đăng : 07:10, 29/04/2019
Ống hút làm từ bột gạo, bột mì là giải pháp hữu ích hạn chế rác thải nhựa. |
Chưa có nhiều bao bì thân thiện môi trường
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm từ 7% đến 8%. Mặc dù tác hại của nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người đã được nhận biết, song chất liệu này vẫn tồn tại trong cuộc sống hằng ngày, bởi không dễ tìm được vật liệu thay thế.
Mới đây, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu polymer, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu thành công một loại túi ni lông tự hủy làm bằng bột sắn và nhựa sinh học, có tính thân thiện cao với môi trường. Tỷ lệ bột sắn trong loại túi này chiếm tới 35-40%, phần còn lại là nhựa phân hủy sinh học. Loại túi này có độ bền và dai hơn túi ni lông thông thường với giá thành cao hơn từ 1,5 đến 2 lần. Ưu điểm nổi trội là sau khi vật liệu này được chôn xuống đất sẽ phân hủy như rác thải sinh học bình thường và có thể trồng cây tại chính khu vực đó. Các nhà khoa học dự kiến sẽ phát triển rộng rãi túi ni lông tự hủy bằng bột sắn này ra thị trường, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài.
Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế, kỹ thuật Ngô Xuân Bình, hiện việc nghiên cứu xử lý, tái chế, ứng dụng công nghệ trong sản xuất bao bì thân thiện với môi trường mặc dù đã được quan tâm, nhưng chưa nhiều. Đề xuất từ phía các doanh nghiệp còn ít được chú ý. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có định hướng khuyến khích một số nghiên cứu trong lĩnh vực này, song kết quả còn chưa rõ nét. Tới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ nghiên cứu các loại vật liệu bao bì có khả năng phân hủy cao, an toàn với môi trường như sử dụng vật chất trong tự nhiên, có thể phân hủy nhanh.
Tránh tình trạng “lợi bất cập hại”
Những giải pháp hữu hiệu trước mắt cho vấn đề rác thải nhựa ở Việt Nam cũng chỉ là học hỏi kinh nghiệm quản lý của quốc tế như nâng cao nhận thức về các sản phẩm nhựa, giảm thiểu tối đa phát sinh chất thải nhựa từ nguồn, thu gom tối đa chất thải nhựa đi kèm với việc thực thi những cơ chế tài chính, chính sách về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa… Việc xử lý rác thải nhựa như thế nào đang là một vấn đề lớn, cần được giải quyết. Hiện tại, có một số giải pháp mà các quốc gia bắt đầu thực hiện, đó là: Thiêu hủy và tái chế. Tuy nhiên, việc áp dụng giải pháp nào cũng cần có sự hiểu biết thấu đáo, nếu không sẽ làm phát sinh các hợp chất có hại cho môi trường. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Quang, Viện Nhiệt điện lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội giải thích: Nếu việc thiêu hủy không đạt được mức nhiệt độ tiêu chuẩn quy định trong quá trình gia nhiệt xử lý rác, thì sẽ làm phát thải dioxin, furan là các hợp chất POPs được chứng minh có hại với sức khỏe con người ra môi trường. Như vậy, sẽ rơi vào tình trạng “lợi bất cập hại”.
Để ngăn ngừa điều này, theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hùng Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và phát triển bền vững (CETASD, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), có thể áp dụng cách xử lý như với các hợp chất POPs là “Đốt trong các lò xi măng ở nhiệt độ rất cao (1.200 độ C), sẽ xử lý rác nhựa được triệt để và đốt xong thì phải hạ nhiệt độ đột ngột, đưa rất nhanh về nhiệt độ thấp”. Đối với tái chế nhựa, ông lưu ý đến khả năng xảy ra ô nhiễm môi trường thứ cấp, nếu sử dụng công nghệ cũ. Do đó, để có cách tái chế rác thải nhựa phù hợp, cần có những nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu. Song, để làm được điều này cần nhiều thời gian, các nước khác trên thế giới bây giờ cũng mới bắt đầu.
Đề cập tới vấn đề xử lý rác thải ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh, đến nay, kể cả các công nghệ xử lý rác ở nước ngoài cũng như các công nghệ của Việt Nam đều gặp phải vấn đề lớn là rác chưa được phân loại, khiến việc thiêu hủy phát thải khí độc. Vì vậy, nếu không phân loại rác, thì các công nghệ khó có thể giải quyết triệt để bài toán rác thải. Một dự án phân loại rác thải đầu nguồn do Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, thực hiện thí điểm tại 4 phường nội thành của Hà Nội hơn 10 năm trước cho thấy, quy trình quản lý công đoạn thu gom rác còn thiếu đồng bộ và nhận thức của người dân trong phân loại rác thải đầu nguồn còn hạn chế.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, việc giải bài toán ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, bên cạnh việc giảm các loại bao bì, ni lông khó phân hủy, cần có các giải pháp đồng bộ khác, trong đó có việc thay đổi nhận thức của người dân để hạn chế dần việc sử dụng bao bì một lần. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của các nhà khoa học dưới nhiều góc độ, từ việc nghiên cứu ảnh hưởng của rác thải nhựa tới môi trường và sức khỏe con người đến việc phát triển các công nghệ xử lý.