Những bệnh dễ mắc khi đi du lịch vào mùa hè

Sức khỏe - Ngày đăng : 08:31, 29/04/2019

(HNMO) - Vào mùa hè, nhiều gia đình tổ chức đi du lịch để tận hưởng thời gian bên nhau. Tuy nhiên, đi du lịch vào mùa này cũng tiềm ẩn không ít mối nguy hiểm, bởi có nguy cơ mắc một số bệnh.


Bệnh sởi: Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 2.450 trường hợp mắc sởi. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, nhất là đối với trẻ chưa có miễn dịch với vi rút sởi mà tiếp xúc với nguồn lây. Bệnh gây suy giảm miễn dịch nên trẻ em mắc bệnh sởi rất dễ bị biến chứng nếu không được chữa trị kịp thời.

Các biến chứng có thể gặp là viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não tủy, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng, viêm loét giác mạc, viêm màng não. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Các bậc phụ huynh khi cùng cả nhà đi du lịch cần phòng bệnh cẩn thận bằng việc tránh để mình và thành viên trong gia đình tiếp xúc với nguồn bệnh, nhất là trong bối cảnh các điểm du lịch thường rất đông người.

Ngộ độc thực phẩm là bệnh dễ mắc phải khi đi du lịch. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Sốt xuất huyết:Thông thường, dịch bệnh này xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm và đỉnh dịch rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Tuy nhiên, năm nay, dịch bệnh đến sớm hơn. Hiện số trường hợp mắc trên cả nước đã là hơn 52.480 ca kể từ đầu năm, trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và Bình Thuận.

Bệnh do vi rút dengue gây ra, lây lan qua việc muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Người bệnh có biểu hiện sốt cao, kéo dài từ 2-7 ngày, mệt mỏi, xuất huyết, nếu bị nặng có thể sốc và tử vong.

Khi đi du lịch, việc mang thuốc xịt, thuốc bôi phòng chống muỗi đốt là rất cần thiết. Điều này càng cần được lưu ý với gia đình có con nhỏ. Những người đi du lịch lên vùng cao cần lưu ý phòng tránh côn trùng đốt bằng các loại kem bôi có tác dụng xua diệt côn trùng, nằm ngủ phải có màn, ban ngày vào rừng cần mặc quần dài, áo dài tay, đi giày có cổ.

Bệnh tay chân miệng:Bệnh do các nhóm vi rút đường ruột Enterovirus và Coxackie gây ra. Trẻ thường có biểu hiện sốt, đau miệng, biếng ăn kèm theo các nốt phỏng ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, quanh mông hoặc các vết loét đỏ ở vòm miệng, môi trong, lưỡi.

Bệnh tay chân miệng lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Vì vậy, khi đi du lịch, cha mẹ cần tránh để con tiếp xúc với nguồn bệnh; vệ sinh sạch sẽ cho trẻ bằng cách rửa tay với xà phòng.

Ngộ độc thực phẩm: Số người đi du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 thường tăng vọt, đồng nghĩa với việc quá tải về phòng nghỉ và dịch vụ ăn uống. Do đó, người dân cần quan tâm hơn tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tránh bị ngộ độc thực phẩm. Ăn chín, uống sôi là biện pháp để phòng chống ngộ độc thực phẩm hiệu quả.

Tiêu chảy: Tiêu chảy cũng là bệnh dễ gặp khi đi du lịch. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng xảy ra nhiều hơn vào mùa hè, do uống nước bị ô nhiễm, ăn thực phẩm bị ô nhiễm, vệ sinh cá nhân không đủ và không đúng cách. Bệnh có triệu chứng là số lần đi đại tiện có thể ít (3-5 lần/ngày) hay nhiều (vài chục lần/ngày), nôn mửa, da bị mất nước và không còn đàn hồi, đi tiểu ít. Để phòng bệnh, cần ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Say nắng: Bệnh xảy ra khi đi ra ngoài trời nắng quá lâu, tia nắng chiếu thẳng vào vùng cổ gáy làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể dẫn đến say nắng. Bệnh thường đi kèm với triệu chứng như chóng mặt, khó thở, tim đập nhanh, miệng khô, nặng hơn là li bì, hôn mê, trụy tim mạch. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân khi đi du lịch nên hạn chế ra ngoài trời trong những khung thời gian nắng nóng gay gắt, đặc biệt là từ 11h đến 15h.

Khi đi du lịch ở các vùng biển, chỉ nên tắm biển vào buổi sáng sớm và chiều muộn, tránh tắm vào buổi trưa hoặc đầu giờ chiều, bởi đây là thời điểm nắng nóng gay gắt và có nhiều tia cực tím.

Hương Thủy