Thu hút đầu tư nước ngoài tăng ấn tượng
Kinh tế - Ngày đăng : 08:42, 29/04/2019
Kết quả của việc cải thiện môi trường đầu tư
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong 4 tháng đầu năm nay (gồm vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm và vốn do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần) đã đạt gần 14,6 tỷ USD. Đây là mức tăng cao nhất của cùng kỳ trong 4 năm gần đây. Kết quả này tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, cả nước đã tiếp nhận thêm hơn 1.000 dự án mới, với số vốn đăng ký 5,34 tỷ USD. Cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Dây chuyền sản xuất phụ kiện điện tử tại nhà máy của Công ty TNHH SYNOFEX Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam |
Theo Tiến sĩ Trần Toàn Thắng, chuyên gia của Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có được kết quả trên một phần nhờ vị trí địa lý thuận lợi, ngay cạnh tuyến đường biển quốc tế, lại là cầu nối giữa các nước ASEAN với Trung Quốc - "công xưởng" của thế giới. Các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ tổng hợp, vận tải, xây dựng, du lịch... cũng vì thế đã xuất hiện nhiều hơn qua thời gian.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính giúp vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng mạnh thời gian qua là chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam nhìn chung được cải thiện mạnh mẽ. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, trên thực tế điểm trung bình của các địa phương trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm ngày càng nâng lên, thể hiện việc cải cách, cải thiện môi trường đầu tư của cả nước đạt kết quả tích cực, đã tác động đáng kể đến nhà đầu tư.
Nhận định về vấn đề này, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle Việt Nam (doanh nghiệp chuyên về bất động sản) cho rằng, Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm công nghiệp ở khu vực Đông Nam Á dưới tác động tích cực của việc cải thiện môi trường đầu tư và chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương...
Mục tiêu khép kín chuỗi cung ứng
Điểm nổi bật trong 4 tháng qua là Việt Nam đã tiếp nhận thêm một số dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn, thuộc lĩnh vực công nghệ cao và năng lượng. Đó là dự án nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, trị giá 260 triệu USD của Hồng Kông (Trung Quốc) tại Bắc Ninh, hay dự án nhà máy điện mặt trời, với tổng vốn 216 triệu USD của Thái Lan tại Phú Yên. Hiện, khoảng 70% lượng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đang tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, gồm một số ngành yêu cầu rất cao về công nghệ như sản xuất linh kiện phục vụ ngành hàng không dân dụng, máy tính, điện thoại thông minh... và góp phần thay đổi cơ cấu sản xuất tại Việt Nam theo hướng hiện đại.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, hiện có nhiều doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao, ở những lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên thu hút đầu tư đã sang tìm hiểu cơ hội tại Việt Nam. Trong đó, làm việc với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Bộ đã đề xuất đầu tư vào lĩnh vực điện tử, bán dẫn để sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. "Nếu thu hút được thêm các dự án quy mô lớn thuộc lĩnh vực sản xuất sản phẩm bán dẫn thì Việt Nam có thể hoàn thành chuỗi cung ứng khép kín trong sản phẩm điện tử và có thể cạnh tranh trên bình diện quốc tế" - Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhận định.
Xét về tổng thể, thu hút đầu tư nước ngoài đang diễn ra khá suôn sẻ, hứa hẹn một kết quả khả quan. Vấn đề quan trọng là làm sao giữ vững được đà tăng tiến, chủ động thực hiện cải cách có hiệu quả để là nơi “đất lành chim đậu” với nhà đầu tư quốc tế.