Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:41, 29/04/2019

(HNM) - Kinh tế tập thể với nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội của Thủ đô. Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua, Hà Nội đã triển khai hiệu quả việc thực hiện theo Luật Hợp tác xã 2012.

Đổi mới là tất yếu

Trong khi phần lớn các hợp tác xã đang loay hoay với việc chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 hoặc đã chuyển đổi nhưng chưa cho hiệu quả thì Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) đã sớm tạo lập được những bước đi vững chắc đúng theo mô hình của một hợp tác xã kiểu mới. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên, trước chuyển đổi, hợp tác xã vẫn không biết chọn hướng đi nào cho phù hợp. Năm 2015, sau khi chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, hợp tác xã thành lập trên tinh thần tham gia tự nguyện, đóng góp của 2.578 xã viên. “Thời điểm đó, tận dụng thế mạnh tại địa phương phù hợp với phát triển giống lúa Bắc thơm, hợp tác xã đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi sang trồng lúa hàng hóa với những bước đi bài bản từ tích tụ ruộng đất, nguồn giống, xây dựng thương hiệu. Nhờ đó đến nay, Tam Hưng trở thành vùng lúa hàng hóa trọng điểm của Thủ đô với thương hiệu Gạo thơm Bối Khê. Hiện hợp tác xã có 150ha trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; toàn bộ số lúa được thu mua và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ ổn định” - Giám đốc Đỗ Văn Kiên chia sẻ.

Mô hình trồng lúa chất lượng cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai).


Tương tự, Hợp tác xã Phát triển công nghệ cao Thăng Long có trụ sở tại phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) cũng là một điển hình trong chuyển đổi. Hợp tác xã còn thuê 15ha đất ở huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) để trồng cam; thuê 5ha đất bãi sông Hồng trồng chuối tiêu hồng xuất khẩu; thuê 1ha đất tại huyện Hoài Đức nuôi cá chép với năng suất 5 tấn/ha. Ngoài ra, hợp tác xã sản xuất chế phẩm sinh học hữu cơ cung cấp cho nhiều tỉnh, thành phố lân cận. Hiện doanh thu của hợp tác xã đạt hàng chục tỷ đồng/năm.

Đánh giá về việc thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Lê Văn Thư cho biết, tính đến đầu năm 2018, toàn thành phố đã có hơn 1.452 hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 (chiếm 95%), còn khoảng 85 hợp tác xã chưa thực hiện tổ chức lại (chiếm 5%). “Các hợp tác xã được tổ chức lại và thành lập mới cơ bản nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và các quy định khác của hợp tác xã. Hội đồng quản trị điều hành hoạt động theo nghị quyết của Đại hội thành viên hợp tác xã; đa số các hợp tác xã đã có bộ phận chuyên môn như: Kế hoạch, kinh doanh, kế toán, kho quỹ, tổ đội trực tiếp triển khai thực hiện các khâu cho hoạt động của hợp tác xã phục vụ thành viên và thị trường” - ông Lê Văn Thư khẳng định.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song việc triển khai chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 còn nhiều hạn chế. Hiện, toàn thành phố có 45 hợp tác xã yếu kém đã ngừng hoạt động cần giải thể dứt điểm trong năm 2020. Cùng với đó, 371 hợp tác xã nông nghiệp trung bình và yếu. Ngoài ra, nhiều hợp tác xã có quy mô nhỏ, đa số các hợp tác xã được thành lập từ rất lâu nên khó mở rộng phát triển kinh doanh...

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Lê Văn Lanh cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế trên do quá trình đô thị hóa tại thành phố diễn ra nhanh dẫn đến nhiều hợp tác xã bị thu hẹp diện tích đất canh tác. Đặc biệt, trong bối cảnh cơ chế thị trường, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế cũng đang là thử thách đối với các hợp tác xã...

Để tháo gỡ những vướng mắc, ngày 26-10-2018, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 22-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 không còn hợp tác xã yếu kém; 80-90% hợp tác xã hoạt động từ khá trở lên; 80% cán bộ chủ chốt hợp tác xã được đào tạo, trong đó 60% đạt trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao đẳng trở lên; tốc độ tăng trưởng bình quân trong khu vực kinh tế tập thể đạt 65,5-7%/năm...

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Lê Văn Thư cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò và tầm quan trọng của hợp tác xã trong điều kiện mới; tuyên truyền, tập huấn tới cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ về Luật Hợp tác xã năm 2012; đồng thời hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp hợp tác xã không đăng ký, ngừng hoạt động, chờ giải thể và tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Ngoài ra, cần đẩy nhanh thực hiện các đề án, chương trình hỗ trợ hợp tác xã; xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp tác xã tại các quận, huyện, thị xã… Công tác đào tạo cán bộ hợp tác xã cũng cần được quan tâm, qua đó, tạo nguồn lực đáp ứng yêu cầu hoạt động phù hợp với xu thế thị trường nhằm nâng cao hiệu quả nền kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế Thủ đô nói chung.

Đỗ Minh