Phủ nhận, xuyên tạc lịch sử là sự vong ơn, phản bội Tổ quốc
Xây & Chống - Ngày đăng : 06:51, 29/04/2019
Những “bài ca” cũ
“Đến hẹn lại lên”, cứ mỗi dịp cả nước kỷ niệm ngày 30-4, những phần tử lưu vong phản quốc, cơ hội chính trị, bất mãn lại ra rả những “bài ca” xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam với những luận điệu cũ rích. Chúng gọi Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông liền một dải là “ngày quốc hận”… Một số kẻ còn lạc lõng lớn tiếng cho là, nếu không có ngày 30-4-1975 thì miền Nam Việt Nam ngày nay phát triển không hề thua kém Hàn Quốc, vượt xa Thái Lan, Singapore. Rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta thực chất chỉ là "nội chiến", là "chiến tranh ủy nhiệm"… nên không có gì đáng tự hào! Lớn tiếng trong số này có Cù Huy Hà Vũ, vốn sinh ra trong một gia đình cách mạng, được hưởng thành quả cách mạng, nhưng đáng buồn lại bị ăn bả của thế lực phản động, nên đã bị tòa án tuyên án khi bóp méo sự thật về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc. Gần đây, khi được tạo điều kiện cho sang Mỹ, nhưng “nhà dân chủ hết thời” Cù Huy Hà Vũ thay vì ăn năn, hối cải như những bậc tiền bối lạc lối, lại ra rả những luận điệu chống phá “bổn cũ soạn lại” cũ rích.
Không chỉ ngày 30-4-1975 mà một loạt những sự kiện, chiến thắng của quân, dân ta trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam của đất nước cũng thường xuyên bị xuyên tạc. Mục đích của những phần tử này rất rõ: Phủ nhận lịch sử để xóa bỏ vai trò lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước… Đối tượng chúng hướng tới đa phần là học sinh, sinh viên trong nước và thế hệ trẻ người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài. Thay vì sách, báo, tạp chí như trước đây, thì nay mạng xã hội, thiết bị truyền tin hiện đại được tận dụng triệt để vào mục đích trên.
Ngoài các phần tử phản động lưu vong, một số ít người từng “học cao, biết rộng” đang sống, làm việc trong nước cũng có cái nhìn sai trái về lịch sử dân tộc cũng như có các hành vi vi phạm quy định của Đảng, của pháp luật. Trần Đức Anh Sơn (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng) là một người nghiên cứu lịch sử, ở chừng mực nào đó có đóng góp vào việc củng cố tư liệu bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Vậy nhưng vài năm trở lại đây, Trần Đức Anh Sơn đã không ít lần viết trên mạng xã hội Facebook, trả lời một số đài, báo nước ngoài với những thông tin vượt lằn ranh lịch sử đã được thừa nhận. Cụ thể là nhằm ngày 2-9-2018, ông này đã viết trên Facebook cá nhân với nội dung xuyên tạc Ngày Quốc khánh và nguy hiểm hơn cả là còn có lời lẽ kích động biểu tình. Với hành động nói trên, Trần Đức Anh Sơn đã vi phạm Điều 3, 4 Quy định số 47-QĐ/TƯ ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông này…
Những hành động phủ nhận, bịa đặt lịch sử như đã nêu tuy không mới về thủ đoạn nhưng hết sức thâm độc, qua đó gieo rắc sự nghi ngờ, phân tâm, mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tác động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Lịch sử dân tộc mãi là cội nguồn của sức mạnh
Trước hết, phải khẳng định rằng mốc son ngày 30-4-1975 (cũng như các sự kiện lịch sử khác) là sự thật không thể đảo ngược, là cội nguồn sức mạnh dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Vì thế, việc đẩy mạnh học tập lịch sử tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phải được làm thường xuyên và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Cách thức giảng dạy, tuyên truyền về lịch sử phải “dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ”; lồng ghép tuyên truyền lịch sử với các hoạt động văn hóa, giải trí, du lịch, thể thao. Muốn hiểu về lịch sử, đơn giản nhất, dễ nghe nhất, dễ hiểu nhất là nghe, tiếp nhận thông tin từ ông bà, cha mẹ, những người đã từng trải qua giai đoạn chiến tranh, trực tiếp tham gia xây dựng, chứng kiến những thành quả đất nước đạt được hôm nay; thay vì đắm say vị ngọt của "viên đạn bọc đường" của những kẻ "cha căng, chú kiết". Cụ Đồ Chiểu há chẳng dạy "Thà đui mà giữ đạo nhà. Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ" đó sao.
Với cán bộ, đảng viên, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ: “Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh đạo tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước” là 1 trong 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần hết sức tỉnh táo sàng lọc thông tin, không phát tán, bình luận, chia sẻ những thông tin lịch sử không có kiểm chứng. Thay vào đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền tới bạn bè, người thân trong gia đình và cộng đồng những thủ đoạn, âm mưu của kẻ địch để mọi người cảnh giác.
Về phía Nhà nước, để ngăn ngừa tình trạng phủ nhận, xuyên tạc lịch sử thì nhất thiết phải coi những tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi đó ngang với tội phá hoại đất nước. Trên tinh thần đó, các cơ quan pháp luật dù đề cao tính giáo dục thuyết phục nhưng phải chủ động trong đấu tranh, phòng ngừa; có cả biện pháp xử lý hành chính và hình sự, công khai việc xử lý trước công luận.
Bên cạnh việc đề cao cảnh giác, sẵn sàng phản bác luận điệu sai trái, cần thực hiện nghiêm Quy định số 102-QĐ/TƯ ngày 15-11-2017 của Ban Chấp hành Trung ương quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó áp dụng hình thức cao nhất là khai trừ khỏi Đảng đối với những trường hợp xuyên tạc lịch sử… Với cấp ủy các cấp, cần thường xuyên rà soát chất lượng đảng viên, rà soát các đối tượng chuẩn bị kết nạp Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 28-CT/TƯ do Ban Bí thư ban hành ngày 21-1-2019. Cuối cùng, để kịp thời ngăn chặn việc phủ nhận, bịa đặt lịch sử, các cơ quan văn hóa, đi đầu là lực lượng báo chí, xuất bản cần phải chủ động trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng.
...Lịch sử, chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng cần mãi ghi nhớ rằng: Hơn bất cứ một dân tộc nào trên thế giới, nhân dân Việt Nam luôn thiết tha với hòa bình, khát vọng tự do và hạnh phúc, không bao giờ mong muốn chiến tranh. Nhưng, vì sinh mệnh và sự tồn vong của dân tộc mà “kẻ thù buộc ta ôm cây súng” và Đại thắng mùa Xuân, Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc năm 1975 là một thắng lợi của chính nghĩa, một thắng lợi không thể đảo ngược. Để có được nền hòa bình hôm nay, dân tộc ta đã phải trả bằng mồ hôi, nước mắt, xương máu và cả tính mạng của bao lớp người, nên chúng ta rất thấm thía, thấu hiểu giá trị này hơn ai hết. Vì thế, ai đó dưới bất cứ lý do gì, nếu có thái độ, hành vi gây mất ổn định, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì đó là những hành vi phản bội, có tội với đất nước, chà đạp lên tương lai dân tộc…