Hà Nội đẩy mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học
Công nghệ - Ngày đăng : 07:18, 30/04/2019
Người dân xã Ba Vì (huyện Ba Vì) trồng nhiều cây thuốc nam, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: Mạnh Dũng |
Những kết quả bước đầu
Những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản pháp lý triển khai Luật Đa dạng sinh học; đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động tăng cường năng lực quản lý nhà nước; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam, thành phố đã phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến đa dạng sinh học. Từ năm 2008 đến nay, Hà Nội đã xử lý 1.117 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng; tịch thu hơn 1.028m3 gỗ quy tròn các loại, hơn 3.756kg động vật hoang dã và 6.118 cá thể động vật hoang dã (tính theo con); thu nộp ngân sách nhà nước gần 21 tỷ đồng…
Thành phố Hà Nội cũng đã bảo tồn và phát triển nhiều giống cây trồng, vật nuôi đặc sản, quý hiếm. Cụ thể, Hà Nội đã lựa chọn được 22 giống cây trồng đặc sản để bảo tồn nguồn gen như: Bưởi Diễn, quýt đường Canh, mơ Hương Tích, hồng xiêm Xuân Đỉnh; húng Láng, rau muống Linh Chiểu, cải bẹ Đông Dư...; lưu giữ gen và phát triển giống vật nuôi gà Mía, vịt cỏ Vân Đình...
Đặc biệt, cá thể rùa giải Sin-hoe là loại cực kỳ nguy cấp, quý hiếm đã được Hà Nội triển khai bảo tồn. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tháng 1-2016 trên thế giới chỉ còn 4 cá thể rùa giải Sin-hoe, gồm 2 cá thể tại Vườn thú Tô Châu, Trung Quốc và 2 cá thể tại hồ Đồng Mô và hồ Hoàn Kiếm của Việt Nam. Tại Trung Quốc, việc bảo tồn ghép đôi sinh sản 2 cá thể chưa thành công còn tại Việt Nam năm 2016, rùa Hoàn Kiếm đã chết; chỉ còn duy nhất 1 cá thể tại hồ Đồng Mô nhưng chưa xác định được tuổi, giới tính...
Đến tháng 5-2017, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) đã chụp ảnh được 1 cá thể rùa mai mềm cỡ lớn tại hồ Xuân Khanh và phân tích, xác nhận đó là rùa giải Sin-hoe. Sau sự kiện này, thành phố Hà Nội đã có kế hoạch bảo tồn cá thể rùa giải Sin-hoe tại các hồ Đồng Mô và Xuân Khanh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại nghiêm trọng. Qua rà soát, thành phố có khoảng 25 loài sinh vật ngoại lai, trong đó có 18 loài xâm hại và 7 loài có nguy cơ xâm hại được thành phố triển khai các giải pháp loại trừ như: Ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, cây mai dương...
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhưng tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn thành phố vẫn còn. Cụ thể, hoạt động khai thác thủy sản bằng các thiết bị mang tính hủy diệt, mua bán động vật hoang dã làm giảm nguồn tài nguyên về đa dạng sinh học; việc buôn bán, nuôi trồng các loài sinh vật ngoại lai chưa được kiểm soát chặt chẽ; tình trạng vi phạm quản lý bảo vệ rừng vẫn còn phức tạp...
Tại hội nghị đánh giá kết quả 10 năm triển khai Luật Đa dạng sinh học do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, nguồn lực cho công tác đa dạng sinh học còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam, kinh phí cho bảo tồn đa dạng sinh học được lấy chủ yếu từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường (khoảng 1% ngân sách nhà nước). Thực tế, nguồn lực này rất hạn hẹp, không đủ triển khai các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học như: Điều tra cơ bản về đa dạng sinh học; phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ...
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức Trần Văn Thể cho biết: Mỹ Đức có Rừng đặc dụng Hương Sơn với nhiều nguồn gen đặc hữu như mơ Hương Tích, rau sắng... Những năm qua, địa phương đã làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học nhưng vẫn còn một số khó khăn như chưa thực hiện được công tác điều tra, đánh giá; chưa xây dựng cơ sở dữ liệu cho bảo tồn đa dạng sinh học... Bên cạnh đó, theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, nhân lực làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học còn thiếu hụt.
“Ở các quận, huyện, thị xã chủ yếu cán bộ phụ trách về môi trường làm công tác kiêm nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học. Đối với Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, do chưa được phân bổ biên chế nên dù đã thành lập Phòng Bảo tồn đa dạng sinh học nhưng cán bộ phải kiêm nhiệm để triển khai thực hiện...” - ông Mai Trọng Thái chia sẻ.
Trước những khó khăn trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mong muốn được thành phố tháo gỡ khó khăn về nhân lực và kinh phí cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về đa dạng sinh học...